Bắc Giang thúc đẩy du lịch bằng chiến dịch quảng bá trên mạng xã hội

Mạng xã hội là một kênh đem đến hiệu quả tích cực, nhanh chóng cho các chiến dịch truyền thông điểm đến. Bắc Giang sẽ đẩy mạnh quảng bá du lịch qua kênh này.

Vừa qua, cộng đồng mạng thích thú trước các video phát trực tiếp giới thiệu, bán mặt hàng vải thiều và nhiều loại nông sản, đặc sản Bắc Giang do loạt TikToker nổi tiếng đăng tải.

Riêng các video về vải thiều đạt hơn 1,7 triệu lượt xem, các hashtag “Hello Bắc Giang”, “Bắc Giang đa sắc” có hơn 30 triệu lượt người theo dõi.

Không chỉ mang đến hiệu quả truyền thông, quảng bá, bà con nông dân còn bán được hơn 23 tấn vải thiều sau buổi livestream dài 4 giờ tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn). Điều này phần cho thấy sức mạnh của truyền thông, quảng bá sản phẩm, hàng hóa của Bắc Giang thông qua mạng xã hội.

 

Thanh niên tỉnh Bắc Giang được tập huấn bán hàng bằng hình thức livetream tại diễn đàn chuyển đổi số. Ảnh: VGP

Hiệu ứng truyền thông qua TikTok

Trả lời Lao Động, ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết, hoạt động kể trên nằm trong chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về vùng đất, con người, giá trị văn hóa - nghệ thuật bằng cách khai thác yếu tố công nghệ, truyền thông trên nền tảng mạng xã hội, cụ thể là TikTok. Đây là một trong những sáng kiến của tỉnh Bắc Giang nhằm tạo hiệu ứng truyền thông nhanh nhất, tốt nhất đối với bạn bè, du khách trong nước cũng như quốc tế.

Theo đó, Bắc Giang tổ chức tập hợp hơn 70 nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok đến từ nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước. Trong gần một tuần, đoàn đã đi thực tế, tham gia các trải nghiệm, quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người và các sản phẩm đặc trưng của Bắc Giang, đặc biệt đang trong mùa vải thiều.

Du khách thích thú về Bắc Giang thăm đồi vải thiều chính. Ảnh: Trịnh Quý Long

Du khách thích thú về Bắc Giang thăm đồi vải thiều chính. Ảnh: Trịnh Quý Long

Ông Đỗ Tuấn Khoa cho biết: “Về mặt truyền thông, chúng tôi đánh giá hoạt động quảng bá trên mạng xã hội đem đến hiệu ứng rất tốt. Nền tảng mạng xã hội TikTok có tính tương tác rất cao, thu hút đông đảo giới trẻ nên việc quảng bá các nông sản gắn với du lịch sinh thái của tỉnh là giải pháp hiệu quả, nguồn cảm hứng để sáng tạo nhiều nội dung hay, ý nghĩa trên mạng xã hội, cũng như thu hút những người quan tâm đến tỉnh Bắc Giang”.

Trong những năm qua, Bắc Giang luôn là một trong top 10 tỉnh đi đầu về tốc độ phát triển kinh tế, với các chỉ số xã hội khác cũng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Bên cạnh đó, Bắc Giang còn có vị trí địa lý quan trọng, nằm gần Thủ đô Hà Nội, giáp ranh với các vùng kinh tế trọng điểm như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương… Tỉnh cũng sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Theo ông Khoa, từ nhiều năm trước, hoạt động truyền thông, quảng bá đã được tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển về mọi mặt của tỉnh Bắc Giang, hiện tại các vấn đề về di sản, văn hóa, du lịch được chú trọng hơn.

“Hoạt động truyền thông qua nền tảng mạng xã hội nằm trong một kế hoạch dài hơi, giai đoạn 2023-2030. Trong đó, Bắc Giang đẩy mạnh việc tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh vùng đất, con người Bắc Giang với bạn bè trong và ngoài nước, nhằm mục tiêu quảng bá những giá trị về di sản văn hóa, đặc sản của tỉnh, nổi bật như đặc sản về nông nghiệp. Trên cơ sở đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển về du lịch nông nghiệp, du lịch tâm linh, văn hóa, trải nghiệm, thu hút khách đến với Bắc Giang”, ông Khoa nói.

Dù mới triển khai không lâu, hoạt động tuyên truyền, quảng bá nông sản, du lịch trên mạng xã hội của Bắc Giang đã thu về những tín hiệu tích cực. Ông Khoa cho biết: “Chỉ trong vài ngày, việc quảng bá sản phẩm truyền thống, nông sản của Bắc Giang đến với cộng đồng mạng xã hội đã tạo ra hiệu ứng rất tốt”.

“Ngày càng nhiều người biết đến Bắc Giang và các loại đặc sản của tỉnh, tạo điều kiện cho việc phát triển về kinh tế xã hội, đặc biệt đang trong thời kỳ thu hoạch và tiêu thụ nông sản đối với người dân Bắc Giang.

Thông qua quảng bá các giá trị nông sản, các khu, điểm du lịch của Bắc Giang hiện nay càng được nhiều người biết đến hơn. Hình ảnh về vùng đất, con người, các giá trị văn hóa của tỉnh Bắc Giang cũng trở nên gần gũi hơn với du khách, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến với tỉnh”, ông nói.

Chiến dịch quảng bá qua mạng xã hội giúp du lịch tỉnh Bắc Giang ngày càng phát triển. Ảnh: Trịnh Quý Long

Đến huyện Lục Ngạn, Bắc Giang du khách có thể ghé thăm những vườn vải bạt ngàn trên đồi. Ảnh: Trịnh Quý Long

Bước đà cho những chiến dịch có sức lan tỏa

Trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh Bắc Giang đón tổng cộng 1,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt hơn 60% mục tiêu năm 2023 (đón 2 triệu khách). Theo ông Khoa, việc tuyên truyền, quảng bá du lịch Bắc Giang trên các nền tảng mạng xã hội cũng như công tác truyền thông đã góp một phần không nhỏ vào kết quả kể trên.

Về kế hoạch quảng bá du lịch tỉnh Bắc Giang trong tương lai, ông Khoa cho biết từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch truyền thông, quảng bá cho các sự kiện lớn như Kỷ niệm ngày thành lập tỉnh tháng 10.2023, chuẩn bị Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2024…

Thứ hai, Bắc Giang tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quảng bá, tuyên truyền. Đồng thời, chú trọng xây dựng nội dung tuyên truyền một cách hợp lý, chính xác, hiện đại thông qua các clip giới thiệu ngắn gọn về vùng đất, con người, các giá trị lịch sử văn hóa để thực hiện một chiến dịch quảng bá, tuyên truyền đến với các tỉnh, khu vực có kết nối du lịch trọng điểm như Thủ đô Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh…

Trước Bắc Giang, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng thực hiện các kế hoạch tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, du lịch trên mạng xã hội như Huế, Đà Nẵng,  An Giang… thu về hiệu quả tích cực. Xu hướng truyền thông mới trong du lịch mang đến đến loạt trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn du khách, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.