Du lịch mạo hiểm thu hút giới siêu giàu, bất chấp chi phí đắt đỏ

Tiến bộ công nghệ mở ra tiềm năng du lịch mạo hiểm trong những năm gần đây. Những du khách siêu giàu sẵn sàng chi nhiều tiền để được trải nghiệm.

Một ngày sau khi Ủy ban An toàn Giao thông của Canada cho biết đang tiến hành cuộc điều tra độc lập về vụ nổ của con tàu ngầm mang tên Titan nhằm xác định mức độ nguy hiểm và việc thiếu kiểm soát của các cuộc thám hiểm tương tự, Lực lượng tuần duyên Mỹ cũng tuyên bố chính thức thành lập một ủy ban để điều tra thảm họa và cái chết của 5 người trên tàu lặn xấu số này.

Chuẩn đô đốc Lực lượng tuần duyên Mỹ thông báo, đã mở cuộc điều tra nguyên nhân dẫn tới thảm kịch nổ tàu lặn Titan khi thám hiểm xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương.

Ông John Mauger - Chuẩn đô đốc Lực lượng tuần duyên Mỹ nói: "Như tôi liên tục nhấn mạnh, vụ việc này cực kỳ phức tạp, liên quan đến phản ứng phối hợp quốc tế, các cơ quan liên quan và khu vực tư nhân trong một khu vực khó tiếp cận và khắc nghiệt của đại dương. Cảnh sát biển đã chính thức triệu tập một ủy ban điều tra hàng hải về vụ việc và 5 người trên tàu".

Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cũng phối hợp chặt chẽ với Cục điều tra Liên bang Mỹ trong các hoạt động trục vớt tại khu vực xuất hiện các mảnh vỡ dưới đáy biển cách mũi xác tàu Titanic khoảng 488m. Những phát hiện này sẽ được chia sẻ với Tổ chức Hàng hải Quốc tế và các tổ chức khác để giúp cải thiện khuôn khổ an toàn cho các hoạt động lặn trên toàn thế giới.

Du lịch mạo hiểm thu hút giới siêu giàu, bất chấp chi phí đắt đỏ - Ảnh 1.

Bà Kathy Fox - Chủ tịch Ủy ban an toàn Giao thông vận tải Canada cho biết: "Nhiệm vụ của chúng tôi là điều tra nguyên nhân và tìm ra phương hướng khắc phục nhằm giảm thiểu nguy cơ tái diễn những sự cố như vậy trong tương lai. Chúng tôi biết mọi người đều muốn có câu trả lời, đặc biệt là gia đình của các nạn nhân và công chúng".

Tàu Titan được xác định bị ép nát dưới đáy biển, cả 5 người trong khoang thiệt mạng. Theo các chuyên gia, tàu Titan đã bị nghiền nát do áp suất nước khổng lồ ở độ sâu gần 4.000m, khiến các nạn nhân tử vong gần như ngay lập tức. Tuy nhiên hiện vẫn chưa thể xác định đây là do trục trặc kỹ thuật của tàu hay do thao tác sai của con người, các điều tra viên sẽ phải trục vớt các mảnh vỡ từ dưới đáy biển để tìm hiểu thêm thông tin. Quá trình điều tra toàn diện này có thể kéo dài từ 18 tháng đến 2 năm.

Phải nói thêm rằng, OceanGate, công ty duy nhất trên thế giới cung cấp dịch vụ tàu lặn thám hiểm xác tàu Titanic, từ chối đăng ký kiểm định an toàn cho tàu lặn Titan từ các bên thứ ba như Cục Đăng kiểm Mỹ hay Công ty dịch vụ chứng nhận an toàn của châu Âu.

OceanGate tránh được việc tuân thủ quy định Mỹ bằng cách chỉ triển khai tàu Titan trên vùng biển quốc tế. Ở đây, các quy định của Tuần duyên Mỹ không có hiệu lực. Thông thường, tàu Titan sẽ được đưa lên một tàu vận chuyển của Canada, tàu vận chuyển này sẽ đi đến vùng biển quốc tế ở phía bắc Đại Tây Dương, gần tàu Titanic và thả tàu Titan ở đó. Vì không hoạt động trên vùng biển chủ quyền, tàu Titan không phải đăng ký với quốc gia nào, do đó không phải tuân thủ các quy định liên quan. Trước đó, công ty còn từng phớt lờ lo ngại của gần 40 chuyên gia thuộc ngành công nghiệp tàu lặn về cách tàu Titan được phát triển.

Du lịch mạo hiểm thu hút giới siêu giàu, bất chấp chi phí đắt đỏ - Ảnh 2.

Trải nghiệm hãi hùng của hành khách tàu lặn Titan

Tuy nhiên, không chỉ còn là những cảnh báo hay lo ngại, trên thực tế, đã có người từng trải nghiệm tình huống tàu Titan trục trặc thật, nhưng đã may mắn hoàn thành trọn vẹn chuyến đi.

Ông Arthur Loibl, nhà thám hiểm 61 tuổi người Đức, là một trong những hành khách đầu tiên mua vé tham gia hành trình ngắm xác tàu Titanic của công ty OceanGate, có trụ sở tại bang Washington, Mỹ. Chuyến đi của ông được thực hiện vào năm 2021, cùng Giám đốc điều hành OceanGate Stockton Rush, thợ lặn người Pháp - chuyên gia về tàu Titanic Paul-Henri Nargeolet và 2 người đến từ Anh. Khi đó, chiếc tàu ngầm đã liên tục gặp vấn đề về pin, cân bằng trọng lượng.

Ông Arthur Loibl - Cựu hành khách trên tàu ngầm Titan kể lại: "Chuyến đi được lên kế hoạch vào 6h sáng, nhưng bị trì hoãn 4 tiếng vì không sạc được pin. Cuối cùng khi chúng tôi được hạ xuống nước, có 1 tiếng nổ lớn và bộ ổn định ở bên phía tay phải của tàu lặn trở nên lỏng lẻo".

Ông Arthur đã tiết lộ những bức ảnh chụp bên trong tàu ngầm và thẳng thắn thừa nhận đây chính là một chuyến đi cảm tử. "Cảm giác bên trong Titan như một cơn ác mộng. Nó dài khoảng 2 mét, rộng 1,4 mét. 5 người ngồi trong, sát vào nhau, rất chật chội. Không có ghế, không thể cúi xuống cũng không thể đứng. Bạn chỉ có thể ngồi trong toàn bộ thời gian lặn. Cuộc lặn của chúng tôi mất khoảng 10 tiếng rưỡi, chúng tôi phải ở trong khoang chừng ấy thời gian vì tất cả những công việc sửa chữa phải được thực hiện. Trong không gian hẹp ấy, bạn không được sợ hãi".

Du lịch mạo hiểm thu hút giới siêu giàu, bất chấp chi phí đắt đỏ - Ảnh 3.

Sau khi nghe được thông tin về vụ tai nạn thảm khốc của Titan, ông Arthur đã vô cùng bàng hoàng và đau lòng. Ông nhận thức được rằng việc sử dụng tàu lặn như thế này không nên được cho phép.

Sức hấp dẫn từ rủi ro

Mạo hiểm, rủi ro là vậy, nhưng loại hình du lịch mạo hiểm đang trở thành ngành kinh doanh lớn, có giá trị hàng tỷ USD và đang phát triển nhanh chóng. Thậm chí, ngay cả khi đã xảy ra những tai nạn hay thảm kịch thì nhu cầu du lịch mạo hiểm ở đại dương sâu thẳm, trên núi cao, vùng cực hay thậm chí cả không gian vũ trụ vẫn là rất cao. Với nhiều người, rủi ro chính là sự hấp dẫn của du lịch mạo hiểm.

Bi kịch vừa qua ở Bắc Đại Tây Dương dường như không thể kìm hãm nhu cầu đối với các chuyến tham quan xác tàu Titanic. Ngược lại, sự quan tâm trên toàn cầu còn đang tăng lên.

Giáo sư Stefan Williams - Ngành robot hàng hải - Đại học Sydney, Australia: "Tôi cho rằng chúng ta sẽ chứng kiến ngành công nghiệp này phát triển. Có thể sẽ có kêu gọi lập nhiều quy định hơn, tìm hiểu rõ hơn về cách các loại phương tiện này được thiết kế, chế tạo và chứng nhận để sử dụng trong môi trường đại dương sâu thẳm".

Du lịch mạo hiểm thu hút giới siêu giàu, bất chấp chi phí đắt đỏ - Ảnh 4.

Tiến bộ công nghệ đã mở ra tiềm năng du lịch mạo hiểm trong những năm gần đây. Những du khách siêu giàu sẵn sàng chi nhiều tiền, bất chấp nguy hiểm, thực hiện việc thăm thú Nam Cực, chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới, khám phá các vùng biển đầy cá mập hay bay vào vũ trụ. Nhưng với những người đam mê thú vui mạo hiểm và có đủ tiền để chi trả cho những chuyến đi đắt đỏ này, giá cả hay sự an toàn không phải là vấn đề, bởi phần thưởng cho họ là những trải nghiệm không phải ai cũng có và được khẳng định địa vị bản thân.

Ông Nick D'annunzio - Giám đốc hãng truyền thông TARA nói: "Tiền không phải là vấn đề với giới siêu giàu, họ quan tâm đến trải nghiệm hơn, họ muốn có thứ gì đó mình không bao giờ quên được".

Theo báo cáo, ngành du lịch mạo hiểm toàn cầu đạt giá trị 366,7 tỷ USD vào năm 2022 và được dự đoán tăng lên 4,6 tỷ USD vào năm 2032. Với xu hướng thích cảm giác mạnh hiện nay của các tỉ phú thì những thảm họa như tàu Titan chắc chắn không chỉ xảy ra một lần. Sự cố xảy ra cho thấy bản chất không thể đoán trước và hậu quả không mong muốn của du lịch mạo hiểm là rất rõ ràng.

Vấn đề đặt ra là quản lý những hoạt động mạo hiểm như vậy, khi mà sẽ vẫn có những người bỏ ra rất nhiều tiền cho những trải nghiệm mà họ cho là độc nhất vô nhị, vượt ngoài tư duy thông thường của số đông. Công nghệ ngày nay rất phát triển, cho phép chúng ta làm được những điều chỉ có trong tưởng tượng của nhiều năm trước. Nhưng không có gì là an toàn tuyệt đối. Rủi ro vẫn sẽ đến mà lúc đó, tiền cũng không giúp được gì.

Lượt xem: 10
Tác giả: Theo Thế giới hôm nay
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...