Đắk Lắk bảo tồn văn hóa cồng chiêng, gắn với phát triển du lịch

Từ thời điểm Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (ngày 25-11-2005) đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chủ trương, giải pháp và tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, gắn với phát triển du lịch.

Bảo tồn văn hóa cồng chiêng

Từ năm 2005 đến nay, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành 5 nghị quyết về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hiện tại đang thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND, ngày 17-12-2021 của HĐND tỉnh về "Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022-2025”, qua đó góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, tích cực thực hiện nội dung cam kết trong Hồ sơ đệ trình với Tổ chức UNESCO về bảo tồn và phát huy Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở địa phương. UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo, giao các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh và nội dung cam kết trong Hồ sơ đệ trình với Tổ chức UNESCO, nhằm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết của HĐND tỉnh đã đề ra; giữ gìn, bảo tồn, khai thác và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.

 Tiết mục “Múa chiêng” tại khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, tính đến nay, tỉnh đã cấp 169 bộ chiêng, 718 bộ trang phục truyền thống cho các buôn đồng bào. Sở VHTTDL và các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức được 130 lớp truyền dạy đánh chiêng; phục dựng được hơn 140 nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với cồng chiêng; tổ chức biểu diễn định kỳ một tháng hai chương trình văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách tại Trung tâm Văn hóa tỉnh và nhiều tổ chức hoạt động liên quan đến bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Với sự hỗ trợ thiết thực đó, văn hóa cồng chiêng đang "sống lại" trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, đặc biệt giải quyết dứt điểm về nạn chảy máu cồng chiêng...".

Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2019, toàn tỉnh hiện có 2.098 bộ chiêng, 5.116 nghệ nhân biết đánh chiêng, 311 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, 1.366 nghệ nhân biết chơi các nhạc cụ truyền thống. Từ năm 2020 đến nay, Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu tổ chức tặng 20 bộ chiêng và hơn 400 bộ trang phục thổ cẩm truyền thống cho các đội chiêng, đội văn nghệ tiêu biểu ở các thôn buôn; trong đó có 3 bộ chiêng, 60 bộ trang phục từ nguồn kinh phí tài trợ của Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc). Đặc biệt, hiện nay tỉnh có 41 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và 3 nghệ nhân được truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Những nghệ nhân này là lực lượng nòng cốt giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tại các buôn làng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Phát triển du lịch cộng đồng

Đến buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột (buôn du lịch cộng đồng mẫu của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025), chúng tôi được anh Y Nuel Niê, Buôn trưởng chia sẻ: “Buôn Akô Dhông thành lập hơn 60 năm trước, là buôn văn hóa điển hình của người Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk. Hiện buôn có 289 hộ, trong đó có 64 hộ dân tộc Ê Đê. Bà con dân tộc Ê Đê lưu giữ được 33 nhà dài, 8 bộ chiêng, nhiều ché, ghế K’pan; biết đan lát và dệt thổ cẩm, biết ủ rượu cần và chế biến các món ăn truyền thống. Đây chính là thế mạnh để buôn Akô Dhông phát triển du lịch cộng đồng”.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Minh, Bí thư Đảng ủy phường Tân Lợi: Năm 2022 buôn Akô Dhông được tỉnh Đắk Lắk chọn xây dựng buôn mẫu và được đầu tư hơn 1 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng buôn du lịch cộng đồng. Tới đây, TP Buôn Ma Thuột đầu tư phục dựng 2 nhà dài, phục dựng Lễ chúc sức khỏe cho người lớn tuổi và Lễ kết nghĩa anh em. Một trong những điểm nhấn để buôn Akô Dhông phát triển du lịch cộng đồng, đó là đội chiêng nổi tiếng nhất Đắk Lắk với những nghệ nhân tài hoa, trong đó có Nghệ nhân Ưu tú Ama H’Loan, không chỉ biết diễn tấu chiêng mà còn biết chế tác nhạc cụ, biết chỉnh chiêng, biết đan gùi và miệt mài với công việc truyền dạy diễn tấu chiêng cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, buôn còn có những hạt nhân như Buôn trưởng Y Nuel Niê mạnh dạn đầu tư 5 nhà dài để làm du lịch cộng đồng. Đến nay, cả buôn có 8 hộ Ê Đê tham gia phát triển du lịch cộng đồng và từ tháng 3-2023, khi ra mắt buôn du lịch cộng đồng, buôn Akô Dhông có Ban quản lý du lịch cộng đồng, trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch trong và ngoài nước khi muốn tìm hiểu, khám phá văn hóa truyền thống của đồng bào Ê Đê.   

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết tỉnh Đắk Lắk hiện có 28 khu, điểm du lịch, trong đó có các khu, điểm du lịch có hoạt động diễn tấu cồng chiêng như: Du lịch hồ Lắk; Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kô Tam; Trung tâm Du lịch cầu treo Buôn Đôn; Vườn quốc gia Yók Đôn; Khu du lịch sinh thái Bản Đôn Ánh Dương; Bảo tàng Đắk Lắk... và các điểm tham quan tìm hiểu về bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Ê Đê, Mnông tại buôn du lịch cộng đồng Akô Dhông...

Thực hiện Quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk năm 2020, định hướng đến năm 2030, ngày 13-8-2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND về “Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021-2025". Trong đó tỉnh Đắk Lắk xác định triển khai xây buôn du lịch cộng đồng mẫu tại buôn Akô Dhông để nhân rộng ra 15 buôn trong tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai dự án “Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới” từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 10 tỷ 630 triệu đồng để đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, từ năm 2022 đến nay, Đắk Lắk thí điểm phát triển du lịch nông thôn tại 3 buôn: Buôn Ja, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông; buôn Tring, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ; buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn với tổng kinh phí thực hiện là 3,34 tỷ.

Để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, gắn với phát triển du lịch, tỉnh Đắk Lắk đề ra mục tiêu đến năm 2025: “100% buôn đồng bào dân tộc thiểu số có đội chiêng và đội văn nghệ; 100% huyện, thị xã, thành phố tổ chức phục dựng được các nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với hoạt động bảo tồn văn hóa cồng chiêng; 100% các trường phổ thông dân tộc nội trú tổ chức hoặc tham gia hoạt động ngoại khóa về văn hóa cồng chiêng”. Về phát triển du lịch, Đắk Lắk phấn đấu năm 2023 đón 1,5 triệu khách trong và ngoài nước với doanh thu 1.200 tỷ đồng, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.