Cân nhắc nguyện vọng khi xét tuyển đại học
Thời điểm này, nhiều thí sinh đang trông chờ kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 để đăng ký xét tuyển vào đại học.
Với các phương thức tuyển sinh đa dạng, thí sinh có rất nhiều cơ hội vào đại học. Tuy nhiên, các em cần tìm hiểu kỹ thông tin, tránh bỏ lỡ cơ hội vào đại học theo đúng nguyện vọng mà mình mong muốn.
Năm 2024, trong số 20 phương thức xét tuyển đại học được các trường công bố, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm ưu thế, với khoảng 65% các trường đại học trên cả nước dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức này. Đối với các trường đào tạo ngành sức khỏe, phương thức tuyển sinh chính vẫn là dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Thanh Tùng |
PGS, TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, cho biết năm nay trường tuyển 2.516 chỉ tiêu cho 15 ngành đào tạo, phần lớn dành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Tương tự, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển 1.480 chỉ tiêu cho 11 ngành học, trong đó có hơn 93% chỉ tiêu dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm nay tuyển 2.050 chỉ tiêu, tăng 100 chỉ tiêu so với năm ngoái và dành đến 70% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thời điểm chờ đợi điểm thi tốt nghiệp THPT cũng là lúc nhiều trường đại học sắp kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Đại diện nhiều trường đại học cho biết mỗi phương thức xét tuyển có những ưu điểm và lợi thế khác nhau, phù hợp với từng đối tượng. Tuy nhiên, xét tuyển sớm giúp thí sinh chủ động hơn về thời gian theo từng trường. Các em nên tận dụng lợi thế này để chắc suất vào đại học. Nếu sau này muốn thay đổi nguyện vọng, thí sinh vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để đăng ký lên hệ thống.
Để tránh các hạn chế, sai sót, nhầm lẫn có thể xảy ra trong quá trình đăng ký xét tuyển, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lưu ý thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo mã xét tuyển (ngành hoặc nhóm ngành) mà không phải đăng ký phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển như các năm trước đây.
Tất cả thí sinh đều phải tham gia đăng ký xét tuyển trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT, kể cả thí sinh đã xét và trúng tuyển sớm ở các cơ sở đào tạo. Các em cần thực hành, tập dượt trước để tránh bỡ ngỡ, làm sai, bỏ sót quy trình. Ngoài ra, thí sinh cần nghiên cứu kỹ kế hoạch tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT và thực hiện đúng thời gian quy định; nghiên cứu tài liệu đăng ký xét tuyển và tuân thủ đúng quy trình đăng ký; nộp lệ phí xét tuyển (trực tuyến) và xác nhận nhập học (cũng trực tuyến) trên hệ thống đúng thời gian quy định trong kế hoạch tuyển sinh năm 2024.
Sau khi biết điểm thi THPT, câu hỏi khiến nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn là chọn ngành và học trường nào phù hợp. Quyết định này ngày càng khó khăn hơn do thị trường lao động Việt Nam và thế giới liên tục biến động. Người lao động không chỉ cần kiến thức và kỹ năng vững chắc mà còn phải luôn học hỏi và nâng cao phẩm chất cá nhân.
PGS, TS Phan Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô khuyên thí sinh nên ưu tiên lựa chọn môi trường giáo dục nhằm phát triển năng lực học tập suốt đời. Đó là mô hình giáo dục kết hợp sự linh hoạt của học trực tuyến và sự tương tác trực tiếp trong lớp học. Người học sẽ tự quản lý thời gian và tập trung vào các phần kiến thức cần thiết, đồng thời được hỗ trợ và phản hồi từ giảng viên và bạn bè.
Hiện nay, nhiều trường đại học công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp. Thí sinh nên tham khảo thông tin này để chọn ngành học phù hợp. Lựa chọn ngành nghề sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 không chỉ là chọn một công việc mà còn là chọn một tương lai. Các thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng dựa vào năng lực, đam mê và khả năng thích ứng với sự thay đổi của công nghệ để đưa ra quyết định đúng đắn.
THU HÀ