“Giữ lửa” nghề rèn

Xóm lò rèn trứ danh ở ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa (Hồng Dân, Bạc Liêu) mà người miền Tây thường gọi là làng rèn Ngan Dừa, giờ đây tiếng búa, tiếng đe vẫn khua đều nhưng không còn nhộn nhịp như trước. Chỉ còn những người cao tuổi gắn bó với nghề. Họ như những người giữ lửa, ngày đêm neo giữ nghề truyền thống...

Ông Nguyễn Văn Ơn, 67 tuổi, người đã gắn bó với nghề rèn ngót nửa thế kỷ cho biết: “Nghề rèn giờ chỉ còn ở những gia đình yêu nghề, sống chết với nghề. Người trẻ tuổi có điều kiện, họ lập nghiệp bằng nghề mới, thu nhập cao, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội”. Các con của ông Ơn từ nhỏ giúp cha làm nghề rèn, song không ai nối bước. Thỉnh thoảng, họ cũng khuyên ông giải nghệ vì tuổi đã cao nhưng ông nói: “Chừng nào tay không cầm nổi búa sẽ nghỉ”. 

Còn ông Trần Văn Tân, một người gắn bó với nghề rèn hơn 30 năm chia sẻ: “Ngày trước có đến trăm hộ dân theo nghề, đi đến đâu cũng nghe tiếng búa đập chan chát. Giờ hộ theo nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Ông Quách Văn Hây, một thợ rèn kỳ cựu ở Ngan Dừa kể: “Tôi vào nghề rèn năm 10 tuổi, gia đình 5 đời nối nhau làm nghề. Năm nay tôi 70 tuổi nhưng vẫn khỏe để giữ lửa lò nóng đỏ. Có lẽ tôi sinh ra để theo cái nghiệp quai búa nhọc nhằn này...”.

Những người thợ rèn ở làng rèn Ngan Dừa (Hồng Dân, Bạc Liêu).

Để làm ra một cái dao, người thợ rèn phải mất nửa ngày, từ lúc cắt miếng thép ra nướng đỏ, quai búa bẹt mỏng thành hình, sau đó đến khâu làm nguội, chỉnh sửa, mài cho đến chuẩn mới thôi. Vì vậy, nghề rèn thủ công khó tính được thời gian, năng suất. Đôi bàn tay nhem nhuốc, chai sần nhưng khéo léo và tinh tế, người thợ lành nghề chỉ cần miết nhẹ ngón tay vào con dao, thậm chí nhìn là biết đã đủ độ sắc hay chưa.

“Sản phẩm rèn chất lượng phải đạt cứng mà không giòn, dẻo mà không mềm, mọi thứ đều phải dung hòa”, ông Quách Văn Hây chia sẻ. Cái ghế ông Hây ngồi cũng đặc biệt so với vị trí ngồi của người thợ chính khác-ngồi bên bễ lửa. Ông nói: “Có lẽ tôi không còn ngồi lâu trên cái ghế này. Khi nào tôi nghỉ, chắc cái ghế cũng nghỉ luôn, vì các con của tôi không ai nối nghiệp”.

Để làm được loại dao bền, sắc, trở thành thương hiệu của làng rèn Ngan Dừa, ông Nguyễn Văn Ơn tiết lộ: “Người thợ rèn Ngan Dừa kết hợp thép với sắt. Trước tiên là chẻ thanh sắt ra, cho lõi thép vào giữa rồi đem nung hợp nhất. Phần có lõi thép sẽ làm phần lưỡi, càng mài càng sắc, còn phần thân dụng cụ bằng sắt nên dẻo dai. Đó là sự kết hợp hoàn hảo cho một dụng cụ vừa dùng trong nhà vừa làm vườn, làm ruộng của người nông dân”. 

Ngày trước, làm nông chỉ dùng sức do chưa cơ giới hóa, vì thế, lò rèn cũng mọc lên nhiều, hầu như mỗi xóm dân cư đều có lò rèn để tiện phục vụ. Những vùng quê đường đi khó khăn, nghề rèn không ở một chỗ mà lưu động trên các nhánh sông. Ông Nguyễn Minh Hùng (Ba Hùng), chủ một lò rèn chỉ vào chiếc phà cho biết: “Chiếc phà này như nhà tôi vậy. Tôi làm nghề rèn rồi phát triển thêm nghề xẻ gỗ lưu động. Cứ quanh quẩn khắp các vùng quê, ai có dao, búa sử dụng lâu ngày muốn “hóa kiếp” thì gọi mình trui lại; người cần xả ván, xẻ cây đóng tủ, bàn... thì gọi mình ghé vô. Vừa tiện lợi vừa giúp bà con khỏi cực công vận chuyển. Ðể tồn tại, tôi phải kết hợp như vậy”.

Những năm đầu sau khi đất nước thống nhất là lúc nghề rèn hưng thịnh. Khi đó, không khí hăng say lao động sản xuất, ra sức khẩn hoang, phát triển kinh tế gia đình, kiến thiết, xây dựng quê hương lan tỏa rộng khắp các vùng quê. Ruộng, vườn ngày nào bỏ hoang (vì chiến tranh) được bàn tay lao động phát dọn, trồng trọt. Những vùng đất hoang được khai phá, “đổi đời” thành vườn cây, ruộng lúa... Thời khẩn hoang bằng sức người vì thiếu máy móc cơ giới nên nhu cầu sử dụng nông cụ như: Phảng, dao, búa, cuốc... rất lớn. Có khi vào vụ mùa, lò rèn ở địa phương không đáp ứng đủ. 

Ngày nay, trước sự thay đổi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các thiết bị, máy móc ra đời giúp người nông dân tăng năng suất, giảm sức lao động. Nhưng không vì thế mà sản phẩm của nghề rèn mất đi vị trí. Người ta vẫn nhớ tới lò rèn, nhớ tới đặc trưng của sản phẩm rèn sắc bén và bền.

Thời hoàng kim của nghề rèn đã qua, song đâu đó ở thôn quê miền Tây vẫn còn những miệng lò rèn đỏ lửa của người yêu nghề như ông Ơn, ông Tân, ông Hây... hoặc mới lạ như lò rèn lưu động khắp miệt thương hồ của ông Ba Hùng. Mùi sắt, thép nóng chảy khét lẹt vậy mà nhiều người vẫn nhớ...

Bài và ảnh: PHONG PHÚ

Lượt xem: 3
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết