Thăm thẳm giá trị tranh dân gian Hàng Trống

Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, mang đậm nét thẩm mỹ tinh tế và giá trị văn hóa của người Hà Nội xưa.

Với mong muốn tôn vinh và lan tỏa giá trị nghệ thuật của dòng tranh này, một số nghệ nhân cùng nhóm 22 nghệ sĩ trẻ tâm huyết đã gửi gắm tình cảm, thông điệp qua Triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” đang diễn ra tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Tranh Hàng Trống thường được trang trí tại các đền, đình, chùa, miếu, phủ, nhà dân... để phục vụ tín ngưỡng tâm linh và gìn giữ phong tục chơi tranh cổ truyền. Cùng với các đề tài phản ánh sinh hoạt hằng ngày hay minh họa các tích truyện, tranh dân gian Hàng Trống còn mang hơi thở của Phật giáo và Đạo giáo, với hình tượng bình dị, gần gũi con người nhưng không thiếu phần oai nghiêm, sùng kính. 

       Một góc trưng bày các tác phẩm tranh Hàng Trống tại triển lãm.

Tuy là tranh thờ nhưng hiệu quả nghệ thuật tác phẩm tranh Hàng Trống đưa tới cho người xem không phải là cảm xúc tôn giáo nặng nề mà là những cảm xúc thẩm mỹ gần gũi, sinh động, tràn đầy năng lượng.

Kỹ thuật làm tranh Hàng Trống đòi hỏi sự khéo léo, công phu và giàu tính nghệ thuật. Trong quá trình sáng tạo tác phẩm, nghệ nhân phải dụng công kết hợp đường nét in đen từ bản khắc gỗ với việc tô màu phẩm bằng tay, rồi dùng bút mềm quệt phẩm nước, tạo ra màu sắc uyển chuyển.

Tại Triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống”, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám phối hợp với các nhà sưu tập tranh, nghệ nhân tranh dân gian và nhóm họa sĩ trẻ thuộc Dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” trưng bày 67 tác phẩm, bao gồm 38 tác phẩm tạo hình của 22 tác giả được thực hiện trên các chất liệu lụa, sơn mài, sơn dầu và 29 tranh dân gian Hàng Trống trên chất liệu giấy dó. Nội dung các tác phẩm phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết: “Triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” hình thành dựa trên những nỗ lực không ngừng của các nghệ nhân, họa sĩ trong hành trình gìn giữ, phát huy giá trị dòng tranh này. Triển lãm cũng là động lực cho những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, góp phần thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay học hỏi, kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống của cha ông”.

Tại triển lãm, nghệ nhân Lê Đình Nghiên trầm tư chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân: “Tôi luôn có ý thức nghiêm túc trong việc thừa kế, phát huy giá trị tranh dân gian Hàng Trống. Tôi mong muốn tranh Hàng Trống được lưu lại mãi mãi cho nhiều người, nhiều thế hệ thưởng thức. Nếu chúng ta không làm thế, một thời điểm nào đó, tranh Hàng Trống sẽ mai một. Tôi cảm ơn đơn vị tổ chức triển lãm, vì mọi người có dịp thưởng thức tranh Hàng Trống mà không cần phải đợi tới các ngày lễ, tết”.

Lượt xem: 1
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết