Kết nối văn hóa đọc: Đóng góp lặng thầm của nghệ sĩ
Trước nay, những bài ký chân dung về các nghệ sĩ nổi tiếng luôn tạo được sức hút với độc giả. Bằng cách tiếp cận riêng, tác giả Châu La Việt đã cho ra đời nhiều bài ký chân dung tinh tế về những người nghệ sĩ-chiến sĩ trong “Tiếng đàn tuổi 20” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2023). Qua cuốn sách, người đọc có thể tìm thấy những câu chuyện tưởng như rất giản đơn nhưng lại có tác động to lớn với cuộc đời, sự nghiệp của những người làm nghệ thuật.
“Tiếng đàn tuổi 20” với 28 câu chuyện rất riêng về những nghệ sĩ. Là người viết báo, viết văn và là con của Nghệ sĩ Ưu tú Tân Nhân nên tác giả Châu La Việt có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Nhờ đó, nhà văn có những câu chuyện, thông tin không phải ai cũng biết đến. Kho tư liệu độc đáo ấy đã được tác giả dày công chắt lọc, gom góp thành cuốn sách dành tặng những nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
Trong “Tiếng đàn tuổi 20”, cách tiếp cận, đặt vấn đề của Châu La Việt tinh tế, có chiều sâu. Nhà văn không hướng đến khai thác những tình huống giật gân, câu khách khi viết về nghệ sĩ nổi tiếng. Trái lại, tác giả lựa chọn lối kể chuyện mộc mạc, chân thành như những người bạn vẫn thường rủ rỉ, tâm tình với nhau về chuyện đời, chuyện nghề. Mỗi câu chuyện, mỗi kỷ niệm về người nghệ sĩ, ông đều viết với tình cảm thuần phác, dưới góc nhìn của người bạn văn chương, nghệ thuật.
Bìa cuốn sách. |
Qua lời kể của Châu La Việt, người đọc nhận thấy nguồn cơn của nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, sự thành công của nghệ sĩ tên tuổi đều gắn bó với cuộc sống, chiến đấu, sinh hoạt bình dị, đời thường. Có thể kể ra đây câu hát: “Ơi cô gái Trường Sơn” trong bài hát “Đường Trường Sơn xe anh qua”, ban đầu, nhạc sĩ Văn Dung viết là “Ơi cô gái Thì Thương”. Bài hát lấy nguyên mẫu từ nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Thi mà nhạc sĩ Văn Dung từng gọi đùa tên cô là “Thường Thi”, nghĩa là “Thì Thương”, trước khi cô hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa. Hay những rung động đầu đời của đạo diễn Nguyễn Đình Quang với cô gái Mường Phù Na đã thôi thúc anh theo cách mạng để quyết tâm giải phóng những số phận nhỏ bé, bất hạnh. Và câu chuyện nhạc sĩ Minh Quang với cô gái nghe ông hát qua vách liếp, rồi trở lại đoàn công tác mà chưa từng gặp mặt...
Nhiều câu chuyện, cảnh huống đặc biệt đã được Châu La Việt lựa chọn, sắp xếp để khắc họa bức chân dung những nghệ sĩ nổi tiếng. Người đọc khi tiếp cận cuốn sách có thể bất ngờ vì những thứ tưởng xa xôi, lớn lao trong chân dung người nghệ sĩ lại xuất hiện từ điều bình dị. Từ đó, chúng ta thêm đồng cảm với những vất vả, hy sinh lặng thầm của những người làm nghệ thuật. Đó là nhạc sĩ Doãn Nho, ca sĩ Nguyệt Ánh, Nghệ sĩ Ưu tú Tân Nhân phải gửi con nhỏ lên đường ra mặt trận biểu diễn phục vụ bộ đội, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Kiều Ngân bị suy nhược cơ thể nhưng vẫn cất cao đôi cánh thiên nga trong vở ballet biểu diễn tại Liên Xô... Những nghệ sĩ đã vượt qua bao khó khăn, nghịch cảnh, mang khát khao cháy bỏng được cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà.
“Tiếng đàn tuổi 20” khép lại cũng là lúc người đọc mở ra những cảm xúc lắng đọng, trân quý đến các nghệ sĩ. Cuốn sách giúp chúng ta chạm vào tiếng lòng của người nghệ sĩ với khát vọng cống hiến cho nghệ thuật. Tất cả được vun vén từ lời thơ, khuông nhạc, tiếng hát, điệu múa... và xúc cảm nơi hiện thực chiến tranh hay cuộc sống đời thường. Những nghệ sĩ đã vun bồi cho nền nghệ thuật nước nhà nhiều thành quả ấn tượng. Qua năm tháng, những giá trị, thành quả ấy càng được khẳng định, tỏa sáng, như tác giả Châu La Việt đã viết: “Càng qua năm tháng, tiếng hát càng hay, tâm hồn càng lung linh thêm nhiều vẻ đẹp”.
NGUYỄN ĐỨC HÀ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.