Tuần lễ múa Việt Nam năm 2023: Cơ hội mở thị trường chuyên nghiệp cho múa

Tuần lễ múa Việt Nam chủ đề “Hội tụ và tỏa sáng”, được Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức từ tháng 7 đến tháng 10-2023, với sự tham gia của hàng nghìn nghệ sĩ múa trong và ngoài nước.

Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và là người khởi xướng Tuần lễ múa Việt Nam năm 2023.

Phóng viên (PV): Tuần lễ múa Việt Nam lần đầu tiên tổ chức, nhưng lại được mở rộng về quy mô và thời gian, vậy mục đích của sự kiện là gì, thưa nghệ sĩ?

Biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh: Tuần lễ múa Việt Nam lần đầu tiên tổ chức, được mở rộng cả về quy mô và thời gian, kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10-2023. Xuất phát từ vấn đề trước đây chúng ta quá tập trung vào các cuộc thi để phân định, đánh giá cao thấp.

 Biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh.

Tuy nhiên, với liên hoan lần này, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam xác định sự phát triển của múa, nhảy múa đang tác động và tạo nên diện mạo mới cho nghệ thuật múa thì không phải cái gì cũng mang ra cuộc thi mà phải tính đến tính chất hội nhập quốc tế. Đây chính là tính chất xã hội hóa hướng đến nền công nghiệp văn hóa, trong đó có nghệ thuật múa. Do đó, Ban tổ chức đã đưa vào tuần lễ múa hai hạng mục chính: Thi tác phẩm múa dân gian dân tộc dành cho các biên đạo múa chuyên nghiệp trên toàn quốc và Liên hoan múa Việt Nam-quốc tế.

Trong hạng mục Liên hoan múa Việt Nam-quốc tế có 9 nội dung, 11 nước tham gia, ở hạng mục này Hội mở rộng để thu hút nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi (từ 6 đến trên 50 tuổi) có thể tham gia, bất kể chuyên nghiệp hay không chuyên, thông qua nội dung thi video 24 giây từ vòng sơ khảo, bán kết theo hình thức trực tuyến và chung kết trực tiếp.

Trước đây nhắc đến múa, mọi người sẽ nghĩ chỉ các đơn vị đào tạo công lập, nhưng chúng tôi hy vọng từ hạng mục Liên hoan múa Việt Nam-quốc tế, sẽ mở thêm “cánh cửa” để mọi người có thể biết thêm những hình thức đào tạo sâu rộng nhiều năm nay đã được các cấp cơ sở thực hiện khá phong phú từ các nhà văn hóa, trung tâm nghệ thuật, các studio, vũ đoàn... Đây là nguồn đào tạo đã và đang cung cấp cho các trường múa chuyên nghiệp tài năng, đồng thời là môi trường đào tạo nên khán giả. 

PV: Vậy yếu tố chất lượng và tính chuyên nghiệp được Ban tổ chức đề ra theo tiêu chí như thế nào trong tuần lễ múa này?

Biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh: Tính chuyên nghiệp mà chúng tôi muốn tìm kiếm từ tuần lễ múa lần này ngoài tài năng, kỹ thuật, trình độ biểu diễn còn là sự năng động của nghệ sĩ. So với các loại hình nghệ thuật khác đang khá nhạy bén trong việc bắt kịp với công nghệ để quảng bá, sáng tạo phát triển nghề nghiệp thì các nghệ sĩ múa có vẻ còn khá “lạc hậu”.

Bởi vậy, trong nội dung thi ngay ở vòng sơ khảo video 24 giây, nghệ sĩ phải thể hiện được mình là ai, mình ở đâu? Tiêu chí mình là ai thể hiện theo thể loại, ngôn ngữ múa nào; tiêu chí mình ở đâu, phải gắn kết được địa danh văn hóa, vùng văn hóa để khi sản phẩm đó được lan tỏa trên nền tảng số giới thiệu được bản sắc văn hóa vùng, miền mà các thí sinh trên toàn quốc cống hiến, cũng là cách quảng bá văn hóa, du lịch, con người Việt Nam qua nghệ thuật múa.

Tiết mục múa dân gian dân tộc của học sinh hệ trung cấp Học viện Múa Việt Nam thi tốt nghiệp năm 2023. Ảnh: VIỆT LAM 

PV: Thưa nghệ sĩ, việc mời các đoàn múa quốc tế đến từ nhiều quốc gia tham dự sự kiện có ý nghĩa thế nào, nhất là trong việc tuyển chọn các tiết mục để tham gia và thi thố tranh tài với các tiết mục của Việt Nam?

Biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh: Tổ chức lần đầu tiên, nhưng chúng tôi đặt mục tiêu sẽ tổ chức thường niên để tạo cho nghệ thuật múa Việt Nam có một “thương hiệu”. Thương hiệu đó là cứ đến tháng 10 nghệ sĩ múa trong nước và quốc tế, người yêu nghệ thuật múa, nhảy múa có một địa chỉ để tới trải nghiệm, giao lưu, thể hiện vẻ đẹp của nghệ thuật múa tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội cũng xác định kết nối lại, đặt mối quan hệ ngoại giao với các đại sứ quán, trung tâm văn hóa các nước tại Việt Nam. Bằng nghệ thuật múa, bằng ngôn ngữ không biên giới để chia sẻ, đặt mối quan hệ ngoại giao, hiểu biết lẫn nhau tạo sự gắn kết. Qua nghệ thuật múa gắn bản sắc văn hóa, chia sẻ cái đẹp của nghệ thuật múa từ các vùng văn hóa để hiểu biết nhau nhiều hơn. Từ đó cũng mở ra cơ hội được trao đổi, học tập giữa Việt Nam và quốc tế.

PV: Với tuần lễ múa lần này, Ban tổ chức đặt ra kỳ vọng gì cho nghệ thuật múa Việt Nam trong sự phát triển và hội nhập với quốc tế?

Biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh: Trên sân khấu chuyên nghiệp, múa vẫn theo lộ trình có sự tiếp nối phát triển tốt. Nhưng như thế chưa phản ánh hết sự phát triển của nghệ thuật múa Việt Nam hiện nay, bởi thực tế hoạt động của múa, nhảy múa ngoài sân khấu chuyên nghiệp (hay còn gọi là múa phong trào) đạt hiệu quả cao hơn nhiều. Thấy rõ là ở các sự kiện, sản phẩm nghệ thuật có yếu tố múa... rất nở rộ, các tài năng múa cũng khá phong phú ở các lứa tuổi và hơn hết họ đáp ứng được yêu cầu đặt hàng của nhà sản xuất, tổ chức chương trình.

Với trách nhiệm và các kế hoạch hoạt động, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam không chỉ quan tâm tới múa chuyên nghiệp, tạo nên các tác phẩm lớn mà sứ mệnh là quan tâm toàn bộ hoạt động, mọi mặt của nghệ thuật múa. Tuần lễ múa Việt Nam đặt ra những kỳ vọng, rằng mỗi năm sẽ có những bước đi nhỏ có định hướng rõ ràng, tìm cách truyền thông, tôn vinh nghệ thuật múa đến với khán giả; mở cơ hội cho nghệ sĩ khi đến liên hoan được trao đổi, học hỏi, tìm phương hướng và cả cơ hội kết nối để phát triển nghề nghiệp...

Từ liên hoan, Hội mong muốn lắng nghe những ý kiến cũng như tìm ra những mô hình, sự kết nối giữa múa với các nghệ thuật khác như: Điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh... để hướng đến những tuần lễ múa tiếp theo sẽ tạo nên “thị trường” kéo những nhà sản xuất, đạo diễn, lãnh đạo nhà hát trong nước và quốc tế tới mở cơ hội hợp tác mới cho nghệ thuật múa.

PV: Trân trọng cảm ơn nghệ sĩ!

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...