Đam mê sáng tác ca khúc phục vụ bộ đội

Buổi sớm cuối tuần, tôi nhận được cuộc gọi của Đại tá Trần Kim Phụng, Chính trị viên Đoàn An điều dưỡng 298 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng).

Giọng anh hồ hởi: “Ca khúc “Nữ anh hùng đầu tiên” của tôi được lựa chọn biểu diễn trong chương trình nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tôi mời cậu đến xem nhé!”.

Cảm nhận rõ niềm vui của anh Phụng, tôi hứa nhận lời. Đêm biểu diễn những ca từ trong bài “Nữ anh hùng đầu tiên” được thể hiện bởi ca sĩ Viết Danh vang lên. Âm hưởng hào sảng truyền tới khán giả cảm xúc tự hào. Anh Phụng chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã được nghe chuyện kể về anh hùng Nguyễn Thị Chiên.

Đại tá Trần Kim Phụng chơi đàn trong khuôn viên đơn vị. Ảnh: ÁNH DƯƠNG 

Thế nhưng chưa có tác phẩm âm nhạc nào ngợi ca chiến công của bà. Chính vì thế, tôi đã viết bài hát với tấm lòng biết ơn người anh hùng của quê lúa Thái Bình”. Tác phẩm hoàn thành vào tháng 3-2023 và vinh dự được nhận giải ba “Cuộc thi sáng tác ca khúc chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống Phụ nữ Quân đội và Ban Phụ nữ Quân đội”.

Đây là một trong những ca khúc mà Đại tá Trần Kim Phụng sáng tác lấy cảm hứng từ tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về Quân đội và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Anh Phụng tâm sự: “Âm nhạc đã ngấm vào tôi từ bé. Ngôi làng nhỏ Cao Mại (Minh Quang, Kiến Xương, Thái Bình) là nơi làm ra các nhạc cụ truyền thống. Tôi được nghe những tiếng đàn bầu, đàn tranh, sáo, nhị của người dân nơi thôn quê xóm vắng. Bố tôi là nhạc công của Đoàn chèo Hà Tây (trước đây), mẹ cũng biết chơi nhạc cụ truyền thống. Những thanh âm của quê hương, gia đình đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi trưởng thành”.

14 tuổi, anh biết chơi ghi ta. 18 tuổi, cây đàn theo bước chân anh về Trường Sĩ quan Lục quân 1. Cũng từ đây người học viên trẻ Kim Phụng nhiệt tình tham gia phong trào văn nghệ quần chúng. Những đêm hát say sưa bên đồng đội. Những buổi thao trường nắng cháy tiếng ca vang xa. Đặc biệt nơi đây ghi danh những nhạc sĩ nổi tiếng xuất phát từ mái trường như Doãn Quang Khải, Doãn Nho.

Chính điều đó đã truyền cho anh tình yêu với âm nhạc. Tốt nghiệp, anh ở lại trường làm cán bộ quản lý. Nơi gắn bó đã “chắp cánh” để anh viết nên ca khúc đầu tiên “Tháng tư miền thương nhớ”, ngợi ca mái trường yêu dấu. Khúc ca được chính cán bộ, học viên yêu mến đón nhận và hát cho nhau nghe.

Trong suốt hơn 20 năm qua, anh trở thành hạt nhân văn nghệ tham gia các hội diễn từ cấp cơ sở đến toàn quân và vinh dự được nhận nhiều giải thưởng cá nhân. Hiện tại, anh có hơn 30 ca khúc sáng tác về chủ đề tình yêu quê hương, đất nước, Quân đội, khắc họa sâu đậm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Anh may mắn được Đại tá, nhạc sĩ Đỗ Minh Quang, nguyên Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội rèn luyện, dìu dắt để ngày càng “chín” hơn trong hoạt động sáng tác. Mỗi ca khúc ra đời đều mang dấu ấn riêng. Anh kể về kỷ niệm khi đoạt giải nhất Hội thi báo cáo viên toàn quân năm 2015 và vinh dự được cùng đoàn công tác ra Trường Sa. Giữa trùng khơi, anh chứng kiến những vòng hoa tri ân các liệt sĩ thả xuống biển, cảm xúc bỗng trào dâng mạnh mẽ. Từ cảm nhận đảo là nhà, biển cả là quê hương, anh đã sáng tác ngay trên tàu nhạc phẩm “Bài ca sóng hát muôn đời” dành tặng các chiến sĩ Hải quân Việt Nam.

Anh đã hát giữa ào ạt sóng biển và tiếng vỗ tay hòa nhịp của đồng đội. Hiện tại, Đại tá Trần Kim Phụng là hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội. Anh đang ấp ủ, dự định nhiều sáng tác mới để phục vụ bộ đội và nhân dân.

Lượt xem: 3
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết