Xe đồ ăn Việt gây sốt đất Mỹ: Menu 50 món từ hủ tíu tới bánh tráng nướng, đỉnh nhất là tô xương tặng kèm
Cửa hàng của chú Long, cô Thủy tại miền Tây nước Mỹ có những món ăn đường phố đặc trưng của Việt Nam, từ món ăn chính đến món ăn vặt.
Tại Texas - tiểu bang có cộng đồng người Việt sinh sống nhiều thứ hai tại Mỹ - có một xe bán đồ ăn đường phố đang "gây sốt". Không bán món ăn Việt nổi tiếng nhất thế giới là phở, nhưng xe phục vụ đồ ăn Đà Nẵng quán ở đường N Garland Ave, Garland, Texas lại có lợi thế với những món đặc trưng khác.
Xe đồ ăn Việt "gây sốt" tại thành phố Garland, Texas, Mỹ.
Dù menu được viết tay song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, kết cấu xe hệt như các truck food nổi tiếng tại Mỹ, nhưng các món ăn và cách tiếp đãi của ông bà chủ lại khiến thực khách cảm thấy như đang được về nhà, ngồi ở vỉa hè ăn một món quen.
Quán bán hơn 20 món mặn và khoảg 18 - 19 món nước, thực đơn khá đa dạng với mấy món như: Hủ tiếu gõ, bún mắm nêm, bún thịt nướng, bún bò Huế, mì Quảng, phá lấu, tôm viên chiên, gỏi bắp bò, bột chiên, xôi mặn, bánh tráng nướng, chè đậu ván, sâm bổ lượng...
Chú Long, cô Thủy chủ quán khẳng định, cách nấu nướng tại quán mình vẫn giữ hương vị đồ Việt 100%. Có lẽ cũng vì thế mà quán hầu hết là thực khách người Việt sinh sống tại Texas. Gia đình này đã kinh doanh xe đồ ăn được vài năm, từ khi cô Thủy thôi làm thợ nail, rủ chồng mở buôn bán riêng.
Xe đồ ăn chỉ rộng tương đương một xe tải cỡ vừa, bên trong bài trí đủ quầy oder, quầy bếp, tủ lạnh, 4 bếp, lò vi sóng, khu vực bày đồ ăn... nên chủ quán khá gọn gàng, tính toán kỹ đường di chuyển cũng như phân công cho từng người.
Gia đình không thuê nhân viên, chỉ hai vợ chồng và hai con gái đảm nhiệm nấu nướng và mở bán: Cô Thủy phụ trách các món có nước lèo, chú Long làm các món khô và chiên, hai con gái nhận order và quản lý quầy chè - nước uống.
Xe không lớn nhưng bên trong là cả "kho" đồ ăn Việt từ món mặn đến món ngọt.
"Để có thể đảm bảo bán được vài chục món ăn/ngày, đi làm về 12h đêm là cô tiếp tục vô bếp chuẩn bị nấu cho hôm sau bán rồi. Mỗi ngày cô sẽ chuẩn bị sẵn nước lèo, để bữa sau mang lên xe chỉ cần nấu lại cho sôi. Món hầm như phá lấu thì nấu rồi chia sẵn theo khẩu phần.
Các món kèm như bò viên, mọc, chả cua, thịt chà bông, thịt bắp bò luộc... thì cô tự mình làm, không mua chợ để kiểm soát chất lượng. Tại cô không ăn được bột ngọt nên khi làm đồ ăn cũng không bỏ bột ngọt.
Món bột chiên trứng cũng được lòng thực khách tại Texas.
Bột chiên thì buổi tối chú sẽ nhào, hấp rồi chiên sơ trước; rau cũng rửa, cắt thái sẵn sàng, lên xe chỉ việc nấu nhanh thôi.
Bận dữ lắm nhưng mà ham lắm. Làm nghề bếp mà không có đam mê, không có tâm là khó làm lắm, lời lỗ không nói chứ cô là rất ghiền nấu ăn", cô Thủy chia sẻ.
Cô Thủy tự tay làm đồ ăn để giữ hương vị thuần chất Việt Nam.
Xe đồ ăn này cũng nổi tiếng là bán hàng hào phóng, lượng đồ ăn cho một phần rất nhiều. Giá các món dao động từ 5 - 12 đô/phần ăn (khoảng 120.000 - 285.000 đồng), thuộc mức bình dân tại Texas, Mỹ.
Chú Long tự hào cho hay: "Ở đây, nhiều khi khách tới ăn mà khen ngon là mình vui lắm, đặc biệt khách xin thêm một chút là cho liền luôn. Vì mình bán hàng nhưng mình cũng có được giao lưu, gặp gỡ người Việt nữa.
Mình tự hào từ trước giờ chưa khách nào chê đồ ăn ít, cái tánh của mình làm là muốn đầy đặn, ít quá nhìn chịu không có nổi! Ví dụ khách mua hủ tiếu, ngoài tô hủ tiếu mình có tặng xí quách (xương ống hầm nhừ trong nồi nước dùng) nữa, để khách ăn cho vui miệng. Mấy ông nhậu là khoái món này lắm!".
Hủ tiếu gõ tặng kèm xí quách.
Chú Long, cô Thủy đầu tư cho kinh doanh khá nhiều, cỡ gần 1 tỷ đồng, với chi phí đặt làm xe tải, máy phát điện, nội thất bếp, tiền thuê địa điểm hàng tháng. Địa điểm hiện tại được yên vị sau khi họ dời đi 3 nơi khác nhau trong thành phố, do những lần trước họ đặt xe ở khu dân cư hoặc giá mặt bằng cao (theo luật Mỹ, khu phố kinh doanh và khu dân cư phải tách biệt nhau).
"Cách đây 2 năm là cô chú tính nghỉ bán rồi đó, vì không tìm được chỗ mới. Mà khách quen cứ gọi điện hỏi thăm, rồi lên Facebook hỏi, cũng thấy tiếc tiếc. Chỗ này là một khách quen tìm giúp cho cô chú đó, họ nói phải để quán duy trì bán họ mới có người nấu đồ cho ăn", cười lớn, chú Long khoe.