Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần quân dân vùng biên giới, hải đảo
Với mong muốn đưa ánh sáng văn hóa đến với bộ đội và nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ.
Nhân dịp hai cơ quan triển khai Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023-2028, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL.
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung. |
Phóng viên (PV): Bà đánh giá như thế nào về Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan triển khai các nhiệm vụ trên các lĩnh vực VHTTDL và gia đình tới bộ đội và nhân dân vùng biên giới, hải đảo thời gian qua?
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung: Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động VHTTDL và gia đình trên các tuyến biên giới, biển, đảo giai đoạn 2017-2022”, giữa Bộ VHTTDL với Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm. Mặc dù chương trình phối hợp diễn ra trong bối cảnh nhiều khó khăn, có nhiều vấn đề khó lường như dịch bệnh, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhưng hai ngành đã thực hiện tốt các nội dung của chương trình phối hợp, với mục tiêu: Xây dựng đồn biên phòng là điểm sáng văn hóa trong khu vực biên giới.
Một trong những thành công đáng kể là các địa phương luân phiên tổ chức ngày hội, giao lưu VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam Bộ, miền Trung và giao lưu văn hóa đối với từng dân tộc. Sự phối hợp đó đã góp phần nâng cao dân trí, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc vùng biên giới, biển, đảo, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Hiện nay, 44/44 bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, thành phố có nhà văn hóa với gần 350 cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa. Về cơ bản, 100% đồn biên phòng trong cả nước đều có tổ tuyên truyền văn hóa hoạt động kết hợp với công tác vận động quần chúng.
Bên cạnh đó, hai cơ quan đã tích cực phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực du lịch nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo.
Đoàn nghệ nhân tỉnh Lào Cai trình diễn Then tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG |
PV: Trong quá trình triển khai chương trình, đâu là những vấn đề còn vướng mắc, tồn tại?
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung: VHTTDL và gia đình là các hoạt động có tính chất đa ngành, phạm vi rộng, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ để tạo nên tính hiệu quả cao trong công tác phối hợp; tuy nhiên, một số đơn vị chưa thực sự chủ động, chưa đề xuất hoạt động phối hợp cụ thể để triển khai chương trình phối hợp đạt kết quả. Nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của việc bảo tồn, phát triển văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở một số nơi còn chưa đúng, chưa sâu sắc. Kinh phí dành cho công tác VHTTDL, gia đình nhìn chung còn thấp. Nhất là các tỉnh miền núi do nguồn thu ngân sách hạn hẹp nên việc bố trí nguồn lực để phát triển sự nghiệp VHTT trên địa bàn hết sức khó khăn. Công tác xã hội hóa các hoạt động VHTTDL trên địa bàn vùng miền núi và DTTS hầu như không có.
Đây là những vấn đề hai cơ quan đã nhìn nhận rõ và thông qua hội nghị vừa tổ chức, chúng tôi đã rút kinh nghiệm và đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục trong chương trình phối hợp giai đoạn 2023-2028.
PV: Về nhiệm vụ triển khai 5 năm tới, trong công tác phối hợp sẽ thực hiện những hoạt động cụ thể như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung: “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên các tuyến biên giới, biển, đảo giai đoạn 2023-2028” là chủ đề mà hai cơ quan đã xây dựng để triển khai nhiệm vụ trong 5 năm tới. Tuy vậy, VHTTDL là lĩnh vực rộng lớn nên hai bên đã thống nhất chọn việc, chọn điểm, chọn nhóm lĩnh vực cụ thể để triển khai thực hiện.
Chẳng hạn, đầu tư phát triển 44 điểm du lịch cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tại các tỉnh, thành phố có Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng. Nếu xem đây là mô hình mẫu thì cả hai bên cần tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả. Trước hết, Bộ VHTTDL sẽ giao nhiệm vụ các trường cao đẳng du lịch của Bộ để hỗ trợ người dân trong vấn đề đào tạo, tập huấn. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ nghệ thuật của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Bộ VHTTDL sẽ bồi dưỡng, đào tạo và phát huy những chiến sĩ có năng khiếu trong lĩnh vực này.
Vào năm 2024, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Ngày hội VHTTDL ở dọc các vùng biên giới, hải đảo. Thông qua đó phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có của hai bên để tổ chức, đẩy mạnh các hoạt động VHTTDL, gia đình, nhằm từng bước củng cố, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, góp phần phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng DTTS, vùng biên giới, biển, đảo.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS nhiều địa phương được hỗ trợ phục dựng, bảo tồn và phát triển; hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn gắn phát triển du lịch khai thác tiềm năng từ văn hóa truyền thống; định kỳ tổ chức gặp mặt nghệ nhân và những người có công trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS; hơn 150 di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trên tổng số gần 300 di sản văn hóa phi vật thể của cả nước). |