Bóng đá nữ Việt Nam sau mốc son World Cup 2023 - Bài 3: Cần sự đầu tư mang tính chiến lược (Tiếp theo và hết)

Để đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam có thêm nhiều lần tham dự World Cup, tiệm cận trình độ với những đội bóng hàng đầu châu lục thì việc làm có tính chiến lược là đầu tư phát triển bóng đá trẻ bài bản, khoa học. Không chỉ đẩy mạnh kêu gọi các nguồn lực xã hội, từ ngành giáo dục cho đến ngành thể thao... cần một lộ trình phát triển đặc thù cho bóng đá nữ.

Giải bài toán xã hội hóa

Trong giới huấn luyện của bóng đá nữ Việt Nam, nhà cầm quân Lường Văn Chuyên của Câu lạc bộ (CLB) bóng đá nữ Sơn La và Đoàn Việt Triều (CLB bóng đá nữ Thái Nguyên T&T) là anh em thân thiết. Hai người thường sẻ chia với nhau bởi đội bóng của họ từng phải “ăn đong từng bữa” khi được xét vào diện đặc biệt khó khăn.

Từ khi CLB bóng đá nữ Thái Nguyên T&T có nhà tài trợ, không những thu nhập của cầu thủ được nâng cao mà công tác đào tạo trẻ đã được chú trọng hơn, trang thiết bị tập luyện được mua sắm nhiều hơn, 3 cầu thủ trước đây nghỉ tập để đi làm công nhân nay đã xin trở lại đội. Trong khi đó, Sơn La là CLB duy nhất của bóng đá nữ Việt Nam chưa có tài trợ. Nói về sự thay đổi của CLB bóng đá nữ Thái Nguyên T&T, huấn luyện viên (HLV) Lường Văn Chuyên bông đùa: “Anh Triều giờ khác rồi, còn mỗi em nghèo bền vững”.

 Biểu đồ biểu thị số câu lạc bộ nữ tham dự giải vô địch quốc gia qua các năm, từ năm 1998 đến 2022. Biểu đồ của HƯƠNG GIANG

Cũng bởi nguồn lực hạn chế, mức chi trả chế độ cho cầu thủ không bằng những CLB khác nên từng có thời điểm CLB bóng đá nữ Sơn La là điểm nóng của thực trạng cầu thủ tập luyện được vài năm rồi bỏ đi làm công nhân, về quê lấy chồng...

Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Sơn La cùng các cá nhân, tổ chức, công tác đào tạo và huấn luyện của CLB bóng đá nữ Sơn La đang được cải thiện tích cực. Theo HLV Lường Văn Chuyên, bóng đá nữ ngày càng được quan tâm và hiệu ứng World Cup 2023 đã giúp nhiều cầu thủ thay đổi suy nghĩ, không vì cuộc sống khó khăn mà bỏ bóng đá giữa chừng. Dù vậy, đội bóng Sơn La vẫn gặp bài toán khó khăn muôn thuở là phạm vi tuyển sinh chỉ bó hẹp trong một số tỉnh miền núi phía Bắc. Lý do, CLB bóng đá nữ Sơn La nằm ở địa bàn miền núi, nhiều gia đình ở đồng bằng không sẵn lòng cho con gái lên đây tập luyện.

Là CLB hàng đầu cả nước về đào tạo trẻ, song những năm qua, công tác tuyển sinh năng khiếu của CLB bóng đá nữ Hà Nội không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nguyễn Thị Thanh Nhã là tiền vệ trẻ tài năng của bóng đá nữ Hà Nội, nhưng em gái của cầu thủ này mới khiến các HLV của Hà Nội tiếc nuối.

Ông Nguyễn Tiến Minh, HLV phụ trách đội U.14 nữ Hà Nội nhớ lại: “Em gái của Thanh Nhã sinh năm 2005, có kỹ thuật và thể hình tốt. Cháu rất muốn theo bóng đá nhưng chúng tôi không thể thuyết phục được gia đình. Bố mẹ cháu đưa ra lý do: Nhà có cái Nhã theo bóng đá là đủ rồi”.

Một lần khác, HLV Nguyễn Tiến Minh và đội ngũ tuyển trạch của mình phải mất 3 năm mới thuyết phục được gia đình cháu Đỗ Thị Hà Vy (sinh năm 2010). “Chúng tôi phát hiện ra tài năng từ lúc Hà Vy mới lên 9 tuổi. Qua 3 năm kiên trì bám đuổi, cuối cùng chúng tôi cũng thuyết phục được gia đình. Bởi từng có thời điểm bố mẹ của Hà Vy đồng ý, nhưng ông bà của cháu lại phản đối”, HLV Nguyễn Tiến Minh chia sẻ.

Niềm vui của đội nhà khi thủ môn Kim Thanh cản phá thành công quả penalty trong trận gặp đội tuyển nữ Mỹ, tại World Cup 2023. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG 

Khó khăn trên của CLB bóng đá nữ Sơn La và Hà Nội cũng là thách thức chung của bóng đá nữ Việt Nam hiện nay. Sở dĩ công tác tuyển chọn năng khiếu, chế độ cho cầu thủ chưa được bảo đảm bởi xã hội vẫn chưa coi bóng đá nữ là một nghề, nhiều gia đình lo lắng cho tương lai của con em sau khi giải nghệ.

20 năm gắn bó với bóng đá nữ, HLV của CLB bóng đá nữ Hà Nội Đặng Quốc Tuấn ước: “Tôi mong chế độ, chính sách dành cho cầu thủ nữ được cải thiện. Ngoài ngân sách, chúng ta cần chung tay kêu gọi sự ủng hộ của các nguồn lực xã hội. Một khi cầu thủ nữ sống được nhờ nghề, thậm chí làm giàu được từ nghiệp bóng đá thì tin rằng sẽ có rất nhiều gia đình không phản đối con em theo đuổi đam mê”.

Để gỡ khó bài toán tài chính phát triển bóng đá nữ, ông Nguyễn Nam Nhân, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh đề xuất: “Một số mặt bằng ở nơi tập luyện, thi đấu thể thao hiện nay đang bị bỏ trống lãng phí. Nếu Nhà nước có cơ chế để các đơn vị cho thuê mặt bằng kinh doanh sẽ mang lại nguồn lợi lớn để đầu tư trở lại cho thể thao. Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh hợp tác công tư trong lĩnh vực thể thao nhằm tìm kiếm các nguồn lực tài trợ, đề xuất sửa chữa, xây mới một số hạng mục nhằm tạo điều kiện phát triển bóng đá nữ nói riêng và thể thao của thành phố nói chung”.

Còn nhiều dư địa để phát triển

Từng giữ cương vị Trưởng đoàn đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, ông Phan Anh Tú, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Hà Nội khẳng định, đầu tư cho bóng đá nữ là cách tốt nhất để chúng ta tiệm cận với trình độ hàng đầu của châu lục.

“Ở nhiều quốc gia, phận nữ theo thể thao vẫn còn nhiều ràng buộc bởi tôn giáo, sắc tộc, trong khi Việt Nam làm rất tốt về công tác bình đẳng giới. Năm 2022, chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam tăng 4 bậc lên xếp hạng 83/146 quốc gia là minh chứng. Nếu đầu tư cho bóng đá nữ tốt hơn, chúng ta có thể giành thêm nhiều trái ngọt hơn nữa”, ông Phan Anh Tú khẳng định.

Muốn bóng đá nữ phát triển thì cần đẩy mạnh đào tạo trẻ, phải có thêm nhiều CLB nữ để tạo tính cạnh tranh. Trên bản đồ bóng đá nữ Việt Nam, miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long đang là “vùng trắng”.

 Đông đảo người hâm mộ đồng hành, sát cánh cùng đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup 2023. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG

Ông Trần Duy Ly, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), nguyên Trưởng ban tổ chức V-League nhớ lại: “Năm 2001, VFF từng hỗ trợ để Quảng Ngãi phát triển bóng đá nữ. Sau đó, đến lượt Hải Phòng cũng đào tạo cầu thủ nữ. Nhưng sau 2 đến 3 năm đầu tư, hai địa phương này đã giải tán bóng đá nữ vì thiếu kinh phí. Nếu có thêm vài địa phương phát triển bóng đá nữ thì chúng ta có điều kiện để phát hiện, tuyển chọn và huấn luyện các tài năng trẻ”.

Trong quá trình gắn bó với bóng đá Việt Nam, ông Trần Duy Ly vẫn trăn trở thực trạng giải vô địch bóng đá nữ quốc gia được “khai sinh” từ năm 1998 nhưng đến nay vẫn là giải đấu nghiệp dư, quy tụ được vài CLB. Cũng bởi là giải nghiệp dư, ít tính cạnh tranh nên suốt 12 năm qua, giải đấu chỉ có một nhà tài trợ duy nhất. Các giải của nữ dù mở cửa tự do nhưng khán đài vẫn trống vắng đến chạnh lòng.

Ông Trần Duy Ly đề xuất: “Chúng ta cần mở thêm nhiều giải đấu, tăng tính cạnh tranh, sự hấp dẫn cho bóng đá nữ để từ đó kêu gọi thêm các nhà tài trợ. Bóng đá nữ Việt Nam cũng có thể học tập kinh nghiệm từ V-League, hướng tới chiêu mộ các cầu thủ Việt kiều, thậm chí là cầu thủ người nước ngoài về thi đấu. Nhìn ra thế giới, tôi thấy mô hình giới chủ của CLB nam phải gắn trách nhiệm nuôi thêm một CLB nữ cũng là phương án nên học tập”. Từ đề xuất của ông Trần Duy Ly, tác giả đã liên hệ với lãnh đạo Tập đoàn T&T, chủ sở hữu của Hà Nội FC và là đơn vị tài trợ cho CLB bóng đá nữ Thái Nguyên, đặt câu hỏi liệu doanh nghiệp có đầu tư mở một CLB bóng đá nữ trong tương lai thì nhận được lời từ chối khéo.

Khẳng định bóng đá nữ Việt Nam cần “xây nhà từ móng”, nhưng ông Đỗ Văn Nhật, Trưởng ban Bóng đá nữ VFF cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là cải thiện tầm vóc, nâng cao thể lực cho các tuyển thủ nữ Việt Nam. Quá trình cải thiện thể lực, tầm vóc phải mất nhiều năm, thậm chí vài thế hệ. Để bóng đá nữ Việt Nam hoàn thành mục tiêu góp mặt tại World Cup nữ 2027, điều cấp bách là chiêu mộ cầu thủ Việt kiều, thậm chí là nhập tịch cầu thủ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch VFF khẳng định: “Bóng đá nữ Việt Nam đang nghiên cứu, bảo đảm sự cân bằng giữa việc đào tạo ở trong nước và thu hút nguồn nhân tài từ nước ngoài, đặc biệt các cầu thủ có dòng máu Việt. Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cầu thủ nữ ra nước ngoài thi đấu giống như trường hợp của Huỳnh Như”.

Thể lực, tầm vóc không phải là yếu tố then chốt bởi đội tuyển nữ Nhật Bản từng vô địch World Cup 2011, giành ngôi á quân World Cup 2015 với các cầu thủ nhỏ con. Nhà cầm quân người Nhật Bản Akira Ijiri, HLV trưởng đội tuyển U.17 nữ Việt Nam bày tỏ: “Đội tuyển nữ Nhật Bản trong lần đầu dự tranh World Cup cũng không thắng trận nào. Dù vậy chỉ 8 năm sau, họ đã đạt tới tầm thế giới. Đội tuyển nữ Việt Nam cần phải phân tích trong 8 năm tới chúng ta sẽ như thế nào. Tôi từng nói chuyện với ông Futoshi Ikeda-HLV đội tuyển nữ Nhật Bản ở World Cup 2023. Ông Futoshi Ikeda nhận xét rằng cầu thủ nữ Việt Nam không khác cầu thủ nữ Nhật Bản nhiều về thể lực. Khác biệt là cầu thủ nữ Việt Nam thiếu kỹ thuật. Kể cả 4 năm nữa đội tuyển nữ Việt Nam có được dự World Cup, thì khả năng lối đá vẫn vậy. Để gọi là thay đổi đáng kể thì bóng đá nữ Việt Nam có thể phải mất từ 10 đến 20 năm”.

Hiện tại, ở xứ phù tang có hơn 50.000 cầu thủ nữ đăng ký với Hiệp hội Bóng đá Nhật Bản. Hệ thống phát triển thể thao ở Nhật Bản cho phép các bé gái từ 6 tuổi được tập luyện bóng đá 4 lần/tuần và thường thi đấu với các bé trai. Khi 12 tuổi, trung bình các bé gái yêu thích bóng đá ở Nhật Bản chơi 100 trận/năm. Hệ thống này liên tục sản sinh ra những cầu thủ trẻ có kỹ thuật vượt trội, giúp bóng đá nữ Nhật Bản trở thành ngọn cờ đầu ở khu vực châu Á.

“Thời gian qua, bóng đá học đường đã và đang được phát triển sâu rộng trong các trường học. Chúng ta đã tổ chức được nhiều giải bóng đá dành cho nam và nữ ở các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ở cấp độ sinh viên đã có giải bóng đá nam toàn quốc nhưng chưa có giải bóng đá nữ. Chúng tôi đang tiến hành khảo sát, đánh giá hoạt động của các CLB bóng đá nữ tại các học viện, đại học, cao đẳng để tiến tới việc tổ chức giải bóng đá sinh viên nữ toàn quốc nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, phát triển thể chất và tạo điều kiện phát hiện, tuyển chọn những tài năng bóng đá nữ”, ông Trần Văn Lam, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.

 
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...