Để du lịch Việt Nam thắng lớn trong năm 2024

Phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, ngành du lịch cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đa dạng hóa thị trường, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với thị hiếu…

Để du lịch Việt Nam thắng lớn trong năm 2024

Đoàn khách tàu biển đầu tiên đến Đà Nẵng nhân dịp Tết Dương lịch 2024. Ảnh: Thùy Trang

Đa dạng hóa thị trường

Năm 2023, thị trường Trung Quốc mới phục hồi khoảng 30%, đạt 1,7 triệu lượt khách - còn kém hơn 4 triệu lượt so với mức kỷ lục 5,8 triệu lượt năm 2019.

Nga không còn trong Top 10 thị trường quốc tế hàng đầu của Việt Nam khi mới phục hồi 19% so với năm 2019 - khi ngành du lịch từng đón hơn 646.500 lượt khách từ Nga. Nhật Bản - một thị trường quan trọng khác của Việt Nam ở châu Á - chỉ đạt mức 62% so với trước dịch.

Trong bối cảnh những thị trường nguồn lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Nga… chưa thể hồi phục nhanh chóng, ngành du lịch cần đa dạng hóa thị trường khách quốc tế trong năm 2024.

PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) nhận định ngành du lịch Việt Nam thực tế đang có những động thái để đa dạng hóa thị trường khách du lịch.

Theo chuyên gia này, ngành du lịch Việt Nam cần có những đánh giá, phân tích các thị trường để có một định hướng mang tính chiến lược cho các nhóm thị trường và có giải pháp đồng bộ, lâu dài.

“Nhưng cũng chớ quên những thị trường truyền thống. Hãy chuẩn bị để có thể thu hút và phục vụ thị trường này ngay. Vì khi quay lại các thị trường này sẽ lại là những thị trường rất lớn” - ông Phạm Trương Hoàng nhấn mạnh.

Hút khách bằng sản phẩm hấp dẫn

Phát triển du lịch theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với ngành du lịch trong năm 2024.

Ông Caesar Indra, Chủ tịch Traveloka, chia sẻ với Lao Động: “Việt Nam có tiềm năng rất lớn trở thành điểm đến du lịch được nhiều người tìm kiếm. Để khai thác tiềm năng này và thúc đẩy thị trường du lịch Việt Nam, ngành du lịch phải khám phá những cách tiếp cận sáng tạo để giới thiệu di sản văn hóa phong phú của đất nước, thu hút khách du lịch và giữ chân họ quay trở lại với những trải nghiệm khó quên”.

Năm 2024, TPHCM sẽ triển khai các giải pháp, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, trong đó tập trung cho các sản phẩm du lịch phục vụ thị trường khách có khả năng tăng trưởng nhanh, nguồn khách lớn, chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như du lịch MICE, golf, du lịch tàu biển; phát triển các hoạt động ẩm thực, giải trí, mua sắm.

Và sản phẩm tốt cần truyền thông tốt, chiến lược dài hơi. Đó là ý kiến của ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Lữ hành Vietluxtour, bởi yếu tố cần xét đến là tính đặc thù của các chương trình dành cho khách quốc tế.

Ông Dũng chỉ ra một điểm bất cập trong khâu truyền thông các sự kiện tại Việt Nam là chi tiết thường được đưa ra vào phút chót: “Sự kiện phải được thông tin cụ thể từ ngày nào, giờ nào, có hoạt động gì… Từ đó, doanh nghiệp mới có thể xây dựng chương trình tour”.

Đại diện doanh nghiệp lữ hành này lấy ví dụ với các chương trình vào dịp Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024. Theo đó, ban tổ chức các sự kiện cần công bố rộng rãi về lịch trình. Ví dụ, nghệ thuật đường phố, biểu diễn múa lân, show ca nhạc dân tộc… nếu có sẽ diễn ra ở đâu, từ mấy giờ đến mấy giờ.

Nếu có chiến lược đúng đắn về cả định hướng khai thác các thị trường mục tiêu, xây dựng sản phẩm phù hợp và truyền thông, xúc tiến mạnh mẽ, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng tốc phục hồi hoàn toàn trong năm 2024.

Lượt xem: 4
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết