Định vị lại thương hiệu du lịch quốc gia, quyết tâm đạt mục tiêu đề ra

Năm 2023, du lịch Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để vượt khó, cán đích các chỉ tiêu đón khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, dự đoán năm 2024 du lịch Việt sẽ còn gặp nhiều thách thức nếu các nút thắt của năm 2023 không được tháo gỡ.

Article thumbnail
Du lịch Việt đã đạt chỉ tiêu và đang phục hồi mạnh mẽ. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia, năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đạt 12,6 triệu lượt khách, đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12 - 13 triệu lượt) của năm 2023. Lượng khách du lịch nội địa đạt 108,2 triệu lượt; vượt 6% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt 678,3 nghìn tỷ đồng, vượt 4,35% so với kế hoạch năm 2023. 

Vẫn còn thách thức…

Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Việt Nam Phạm Văn Thủy, Việt Nam là quốc gia có lịch sử lâu đời và giàu truyền thống văn hóa, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, đây là tiềm năng rất lớn để chúng ta phát triển du lịch, hình ảnh du lịch Việt được nâng cao, định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới trong năm nay. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện.

Đặc biệt năm 2023, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tiếp tục được vinh dự nhận danh hiệu "Cơ quan Quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2023" lần thứ 4 sau các năm 2017, 2021 và 2022.

Tại lễ trao giải thưởng toàn cầu, Việt Nam tiếp tục được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Quốc tế (WTA) vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới".

Cũng tại đây, nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng nhận được nhiều hạng mục giải thưởng danh giá khác. Làng Du lịch Tân Hóa (Quảng Bình) vinh dự nhận Giải thưởng "Làng du lịch tốt nhất" do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao tặng. Đây chính là những điều kiện tốt để chúng ta nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bước sang năm 2024 sẽ còn gặp nhiều thử thách, ngành Du lịch sẽ tiếp tục phục hồi như trong giai đoạn suy thoái kinh tế, khách hàng có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn.

Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát tăng, xung đột ở các khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt… sẽ là những lực cản đáng kể cho sự phục hồi du lịch trong năm 2024.

Hơn nữa nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo… đây lại là vấn đề còn khá yếu ở Việt Nam.

Một số hãng hàng không như Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines đã cắt khá nhiều tàu bay, đường bay đến các địa điểm du lịch lớn như Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, khiến giá vé máy bay tăng cao, khó tiếp cận. Ngoài ra, giá vé máy bay có thể tăng khi mức trần mới được áp dụng từ 1/3/2024.

Hoạt động du lịch về đêm nghèo nàn khiến khách cũng không mặn mà du lịch trong nước. Nếu điểm qua, hoạt động đêm chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu ở các TP như Hà Nội, TP HCM, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long. Các vấn đề khác như giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là lý do cản trở du lịch nội địa.

Bên cạnh đó, nhân sự chất lượng cao trong ngành Du lịch cũng là vấn đề cấp bách cần giải quyết. Sau dịch nhiều người làm lâu năm trong ngành đã đổi nghề dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự và chất lượng nhân sự không cao do tuyển mới nhiều.

Xúc tiến, quảng bá du lịch ở các thị trường trọng điểm

Để định vị lại thương hiệu du lịch quốc gia và đạt được mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng vào năm 2024 như mục tiêu đề ra còn rất nhiều việc phải làm, đầu tiên cần phải triển khai các chương trình, đề án trọng tâm, xây dựng chương trình hành động du lịch xanh, triển khai chương trình hành động, khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch mới, xây dựng các chiến dịch marketing, triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá trong và ngoài nước.

Trong đó cần đặc biệt chú ý tới việc xúc tiến, quảng bá du lịch ở các thị trường trọng điểm. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tại, chiến dịch quảng bá du lịch của Việt Nam với thị trường quốc tế vẫn được cho là "mờ nhạt", "thiếu sự hấp dẫn". Phần lớn khách quốc tế đến Việt Nam không phải thông qua các kênh quảng bá chính thức mà qua mạng xã hội, các KOLs (những người có tầm ảnh hưởng trên mạng) review mà họ đến Việt Nam lại phần lớn qua việc truyền tai và theo các video mà khách đi về rồi quay đăng lên.

Để du lịch Việt Nam thực sự đem lại nguồn thu như mong đợi, đặc biệt từ khách du lịch quốc tế chúng ta cần phân khúc lại khách hàng, hướng khách quốc tế đến những điểm sang trọng, giàu văn hóa và di sản thay vì điểm đến giá rẻ như trước đây.

Các tour 0 đồng cần hạn chế hoặc bỏ hẳn, bởi một trong các hệ lụy của hình thức tour này là khách bị dẫn đi mua sắm nhiều hơn là tới các điểm tham quan, khiến họ không có nhiều ấn tượng về Việt Nam và sẽ không quay lại.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần quản lý tốt điểm đến; thu hút khách từ các thị trường mới và giàu có như Trung Đông, New Zealand, Australia, Bắc Âu; quy hoạch để phát triển kinh tế đêm một cách hiệu quả; tạo ra các sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng vùng miền; cần đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm để dần xóa đi quan điểm du lịch theo mùa.