Việt Nam được dự báo là một trong những nước tăng trưởng GDP cao nhất thế giới

6,7%; 6,9%; 8,3%, đây là những dự báo đầy lạc quan về triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay, bởi các định chế tài chính lớn đang hoạt động tại Việt Nam.

Đặc biệt, sau khi số liệu về kinh tế quý 2 được công bố, con số tăng trưởng GDP thậm chí còn được điều chỉnh theo chiều hướng tăng.

Sự hồi phục mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực dẫn tới tăng trưởng GDP trong quý 2 lên tới 7,7%. Đây là con số cao nhất trong vòng 11 năm qua, vượt xa kỳ vọng của thị trường và là cơ sở để đưa ra những nhận định lạc quan hơn.

Trong bản cập nhật các dự báo về kinh tế Việt Nam, HSBC vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 lên mức 6,9%, từ dự báo 6,6% trước đó.

"Chúng ta đang chứng kiến sự phục hồi vô cùng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam hậu COVID-19 trên tất cả các lĩnh vực. Du lịch đã mở cửa trở lại từ giữa tháng 3, tiêu dùng của người dân tăng trưởng, các lĩnh vực dịch vụ cũng tăng rất tốt. Xuất khẩu tăng trưởng tới 20% so với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tăng… Đó là những yếu tố khiến chúng tôi tự tin nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,9%. Nếu nhìn lại thời điểm này năm ngoái, thật khó để hình dung kinh tế Việt Nam có thể phục hồi mạnh mẽ như hiện nay", ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, đánh giá.

Đáng chú ý, tăng trưởng GDP trong quý 3 sắp tới mới đây được Ngân hàng Standard Chartered thậm chí dự báo ở mức 2 con số, lên tới 10,8%.

Mức tăng này có sự đóng góp rất lớn nhờ tăng trưởng doanh thu bán lẻ lên 30%, xuất khẩu 22.2%, sản xuất công nghiệp 15%.

"Trong nửa sau của năm 2022, tôi cho rằng quý 3 sẽ là quý tăng trưởng còn mạnh mẽ hơn nữa, mức tăng gần 11%, con số này là rất tích cực nếu nhìn từ mức tăng trưởng âm cùng kỳ năm ngoái. Và đâu đó mức tăng GDP quý 4 khoảng 4%. Tất cả các chỉ báo đều cho thấy sự hồi phục tích cực của kinh tế Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực", ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, nhận định.

Các quỹ đầu tư còn đưa ra dự báo lạc quan hơn: VinaCapital đưa ra con số tăng trưởng GDP năm nay khoảng 7,5%; trong khi kịch bản lạc quan nhất, theo Dragon Capital có thể lên tới 8,3%.

Tuy nhiên, những biến động của giá nhiên liệu, lạm phát tăng cao tại các nền kinh tế lớn, được cho là những thách thức lớn nhất trong nửa cuối năm. Mặc dù vậy, các định chế tài chính đều cho rằng, Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát ở mức 4%.

"Có 2 động lực thúc đẩy lạm phát là giá lương thực và giá dầu. Với giá lương thực, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm ứng phó, ví du như bình ổn giá. Còn về dầu mỏ, Việt Nam có mức nhập siêu không cao lắm so với các nước châu Á khác. Ngoài ra, Chính phủ có nhiều công cụ tài khóa khác, như giảm thuế, phí", bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Khối Đầu tư - Công ty quản lý quỹ VinaCapital, cho hay.

Sự phục hồi mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế cùng khả năng ứng phó với các biến động từ bên ngoài, Việt Nam được các tổ chức tài chính dự báo sẽ là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng GDP cao nhất thế giới trong năm nay.

Lượt xem: 41
Tác giả: Theo Hoài Linh - Minh Sơn
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...