Phân loại rác thải tại hộ gia đình
Để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường và hình thành thói quen thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình, giảm ô nhiễm, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Cảnh (Đăk Tô, Kon Tum) đã thành lập mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình” ở thôn 3, xã Tân Cảnh với 10 thành viên tham gia.
Thực hiện mô hình, các thành viên được hướng dẫn phân loại rác tại hộ gia đình thành 4 loại: Rác hữu cơ, rác thải vô cơ, rác thải tái chế và rác thải nguy hại. Sau khi phân loại, rác được cơ quan chức năng thu gom, tập kết và xử lý theo quy định.
Lễ ra mắt mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình” tại thôn 3, xã Tân Cảnh. |
Nhận thấy rác hữu cơ chiếm số lượng lớn từ các hộ gia đình và số rác này tập kết về bãi rác vừa gây ô nhiễm, vừa lãng phí, thông qua mạng xã hội Facebook, chị Nguyễn Thị Xoan, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Cảnh đã kết nối với chủ một trang trại để hướng dẫn quy trình ủ rác hữu cơ làm phân bón vi sinh. Hội LHPN xã hỗ trợ mỗi thành viên một bộ dụng cụ ủ rác có thể tích 50 lít (gồm thùng chứa có nắp đậy và vòi lấy nước phân), 1 lít men vi sinh và 1 lít mật đường để ủ rác hữu cơ. Quy trình ủ đơn giản, tận dụng rác hữu cơ sau khi phân loại, thêm nước, mật đường và men vi sinh theo tỷ lệ: 300ml men vi sinh pha với 10 lít nước, tất cả được cho vào thùng có nắp đậy nhằm hạn chế mùi hoặc ruồi, muỗi vào đẻ trứng. Sau hai ngày ủ, nước phân thu được có thể pha loãng với nước để tưới rau, cây ăn quả, cây cà phê... Cách làm này giúp giảm lượng rác thải phát sinh ra môi trường, đồng thời giảm chi phí vận chuyển, xử lý.
Chị Nguyễn Thị Hòa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 3, thành viên Ban Quản lý mô hình, cho biết: “Hiện nay, việc phân loại rác và tận dụng rác hữu cơ ủ làm phân bón là việc làm thường xuyên của các thành viên. Thông qua mô hình, chị em trao đổi, học tập kiến thức bảo vệ môi trường rất thiết thực, đặc biệt là cách tận dụng phế phẩm nông nghiệp ủ phân bón cho cây ăn quả, cà phê trên diện tích canh tác lớn”.
Mô hình được thực hiện từ tháng 3-2022 đến nay đã có những kết quả tích cực. Từ 10 thành viên ban đầu còn e ngại, sợ khó thực hiện thì nay đều tích cực tham gia, nhân rộng được 4 thành viên mới. Trong thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân rộng mô hình, góp phần triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.