Dự án Vành đai 4 giải quyết khó khăn trước mắt, mở ra không gian phát triển với tầm nhìn dài hạn

 Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vừa giải quyết những khó khăn trước mắt, vừa có tầm nhìn dài hạn. Dự án giúp mở ra không gian phát triển, giãn dân, từ đó phát triển giao thông ngầm, các tuyến đường sắt trên cao...

Sáng 6/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án đường Vành đai 3- TP Hồ Chí Minh và đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ; Đồng thời phân tích sâu hơn về ý nghĩa và những lợi ích từ đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô với thành phố Hà Nội.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nộ thảo luận tại tổ
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nộ thảo luận tại tổ

Việc giải phóng mặt bằng không ảnh hưởng tới người dân hai bên tuyến đường

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Dự án đường Vành đai 4 và Dự án đường Vành đai 3; Đồng thời khẳng định, Dự án Vành đai 4 có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Dự án Vành đai 4 vừa giải quyết những khó khăn trước mắt, vừa có tầm nhìn dài hạn. Lâu nay, chúng ta tập trung hút dân và phát triển ở trung tâm, thực tế đã chứng minh những bất cập về tắc đường, úng ngập, quá tải hạ tầng. Vì thế cần mở không gian, quy hoạch 2 bên đường để giãn dân, khi có không gian phát triển mới có thể quay lại bảo vệ được những di tích, di sản trong nội thành; Cũng từ đó phát triển giao thông ngầm, các tuyến đường sắt trên cao...

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay, việc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án trên là cơ sở pháp lý quan trọng để TP Hà Nội triển khai thực hiện.

Nêu lại các thông tin về Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, việc phân chia thành 7 dự án thành phần là hợp lý, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu thảo luận tại tổ
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu thảo luận tại tổ

“Giải phóng mặt bằng luôn là khó khăn nhất đối với các dự án đầu tư công. Vì thế, chúng ta tiến hành giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ gồm cả 9,7km tuyến nối và dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai là hợp lý. Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341ha, trong đó thành phố Hà Nội 741ha và cơ bản là đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến người dân hai bên đường”- Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết.

Đối với cơ chế, chính sách chung của các dự án, trong đó có đề xuất cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 2 năm (2022 – 2023)...; Cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; Việc khai thác mỏ khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, nếu chỉ áp dụng các cơ chế này trong 2 năm 2022 và 2023 là không phù hợp về thời gian, vì chúng ta đã qua 6 tháng đầu năm 2022, Quốc hội mới thảo luận để thông qua.

“Việc áp dụng Nghị quyết 43 vào dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là không phù hợp. Hiện nay thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh việc phân tuyến cắm mốc, tính toán giá đền bù giải phóng mặt bằng để ngay sau khi Quốc hội thông qua là tiến hành triển khai”, đại biểu Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Dự án Vành đai 4 giải quyết khó khăn trước mắt, mở ra không gian phát triển với tầm nhìn dài hạn
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận

Mang lại ý nghĩa chính trị, đối ngoại sâu sắc

Đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đầu tư cho 5 dự án, đặc biệt là dự án Vành đai 3 và Vành đai 4- Vùng Thủ đô; Đồng thời đánh giá cao tinh thần của 2 thành phố Hà Nội, TP. HCM trong quyết tâm thực hiện hai dự án này.

Khẳng định những giá trị mà Vành đai 4 mang lại là rất lớn trong kết nối, mở rộng không gian phát triển, giảm tải giao thông..., đại biểu mong muốn dự án được sớm đầu tư và thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện cần hết sức lưu ý tới tuyến đường song hành thoát hiểm; Cân nhắc kéo dài thời gian thu phí tuyến đường để thu hút nhà đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Thị Lưu Mai cũng đồng tình với sự cần thiết của Dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4- Vùng Thủ đô. Theo đại biểu, việc đầu tư hai tuyến đường này cho Hà Nội và TP. HCM không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn ý nghĩa chính trị, đối ngoại sâu sắc.

“Mỗi khi đi xa trở về, chúng ta lại thấy băn khoăn về cơ sở hạ tầng. Rất ít Thủ đô có hạ tầng giao thông hạn chế như chúng ta hiện nay. Chúng ta vẫn nói về GDP tăng trưởng, kinh tế phát triển nhưng khi du khách tới Việt Nam, thứ ấn tượng với họ lại là hạ tầng giao thông, nó phản ánh sự phát triển của một đất nước. Nếu như trong nhiệm kỳ này, chúng ta tiến thêm được một bước về hạ tầng giao thông là rất đáng mừng”- đại biểu chỉ rõ.

Dự án Vành đai 4 giải quyết khó khăn trước mắt, mở ra không gian phát triển với tầm nhìn dài hạn
Đại biểu Nguyễn Thị Lưu Mai phát biểu thảo luận

Về ý nghĩa phát triển vùng, theo đại biểu Mai, Dự án Vành đai 4 khi đưa vào sử dụng sẽ như xương sống kết nối 7 tuyến đường cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Lào Cai; Hòa Lạc- Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đại lộ Thăng Long; Nội Bài - Bắc Ninh. Đồng thời, tạo không gian cho 5 đô thị vệ tinh phát triển, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế lớn từ nông nghiệp sang công nghiệp đồng nghĩa với việc thu hút phát triển khu công nghiệp.

Về mức đầu tư, đại biểu Mai cho rằng, từ khi Luật đầu tư PPP ( Luật mở đường cho sự hợp tác) ra đời đã để lại nhiều thất vọng, hàng loạt dự án PPP được chuyển sang đầu tư công. Điều này đi ngược với Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội. Vì vậy dự án Vùng Thủ đô với 1/3 vốn là của PPP có thể là công trình đột phá nếu Hà Nội thực hiện thành công.

Về phương án tài chính và cơ cấu nguồn vốn, đại biểu cho cho rằng khá hợp lý, hài hòa, giữa Nhà nước, địa phương và thành phần kinh tế.

Dự án Vành đai 4 giải quyết khó khăn trước mắt, mở ra không gian phát triển với tầm nhìn dài hạn
Đại biểu Nguyễn Phi Thường thảo luận tổ

Tuy nhiên về thực hiện cam kết bố trí vốn của các địa phương, giai đoạn vừa qua, có địa phương cam kết vốn bằng Nghị quyết HĐND nhưng không thực hiện được với nhiều lý do khách quan, chủ quan.

Bày tỏ tin tưởng Hà Nội đủ năng lực bố trí vốn, tuy nhiên, đại biểu Mai lo ngại việc cam kết của các địa phương khác có thể ảnh hưởng đến dự án. Đại biểu cho rằng Nghị quyết cần quy định trõ trách nhiệm trong việc bố trí vốn, để các địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm của mình và trong trường hợp không thực hiện được thì không chỉ các địa phương chịu trách nhiệm mà Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm về nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường đặc biệt quan tâm đến việc kết nối giao thông của Vùng Thủ đô khi Dự án Vành đai 4 đi vào hoạt động. Đai biểu cho biết, dự án cầu Thanh Trì và Vành đai 3 đã thiết kế với 5-6 nghìn xe/giờ nhưng đến nay công suất tăng lên gấp 8 lần nên liên tục xảy ra tình trạng kẹt xe.

Vì thế, đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao khi dự án Vành đai 4 đã rút kinh nghiệm từ những bất cập này, bởi đây không chỉ là dự án vành đai liên tỉnh mà còn là vành đai đô thị, với lưu lượng giao thông rất cao.

Lượt xem: 91
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...