Giải pháp quan trọng giúp "đường về nhà" của phạm nhân ngắn lại

Sáng 3/6, thảo luận trên hội trường Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, nhiều đại biểu đồng tình với quy định này, song cũng có nhiều ý kiến băn khoăn.

Giúp ổn định cuộc sống sau khi tái hòa nhập cộng đồng

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) dẫn số liệu: Hiện có khoảng 150 nghìn phạm nhân đang chấp hành thi hành án thì có tới 67% mới học hết cấp 1, cấp 2 và tới 4,7% người không biết chữ; 5% trước khi vào tù không có nghề nghiệp ổn định.

Do đó, nhu cầu tìm kiếm việc làm khi ra trại là rất lớn mà nếu không có sự hướng nghiệp, dạy nghề thì khi hoà nhập xã hội họ sẽ tự ti, khó kiếm việc làm và đứng trước nguy cơ tái phạm tội.

Thời gian qua, Bộ Công an có thí điểm lao động ngoài trại giam để làm cơ sở báo cáo Quốc hội. Các điểm lao động đều được thiết kết theo mẫu, có tường rào, cách xa khu dân cư đã giúp đa dạng hoá ngành nghề, có nơi còn còn tổ chức hội thi tay nghề giỏi. Nhiều phạm nhân từ chỗ không biết làm gì nay đã có tay nghề, có người được tiếp nhận làm việc sau khi ra tù.

Giải pháp quan trọng giúp

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn)

Nữ đại biểu cho rằng băn khoăn về việc có thể ảnh hưởng an ninh, an toàn là đúng tuy nhiên không vì thế mà bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân.

“Việc cho phép thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là giải pháp quan trọng cho phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm, cải tạo tốt để con đường trở về nhà của phạm nhân ngắn lại, để họ sớm làm lại cuộc đời”, nữ đại biểu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng việc thí điểm thực hiện nghị quyết này đó là kết hợp lao động giáo dục nhằm cảm hóa, giúp đỡ phạm nhân yên tâm cải tạo, cố gắng lao động, học tập để sửa đổi lỗi lầm, trở thành người tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tối đa tình trạng tái phạm tội sau khi chấp hành án.

Theo bà, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành thí điểm mô hình này sẽ tạo hành lang pháp lý, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự là phù hợp với định hướng cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước; Đồng thời đề nghị cân nhắc đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên lao động hướng nghiệp và học nghề ngoài trại.

Tranh luận về nội dung liên quan trả tiền công cho phạm nhân khi tham gia lao động ngoài trại giam, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết trong dự thảo nghị quyết và báo cáo giải trình của Chính phủ cũng nêu rõ về quy định kết quả lao động học nghề phạm nhân ngoài trại giam được sử dụng như đối với kết quả lao động học nghề của phạm nhân trong trại giam.

Tuy nhiên, ông An nói cần thiết thống nhất việc chi trả công lao động cho phạm nhân khi tham gia lao động ngoài trại giam song cần xem xét trả ở mức độ nào.

Thu hẹp phạm vi đối tượng

Trong khi đó, biểu Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) vẫn băn khoăn: “Mục đích thi hành án là kết hợp trừng trị hành vi gây ra cho xã hội và cải tạo hành vi chứ không chỉ là tạo kỹ năng nghề vì đây chỉ là một trong những mục tiêu. Bản án của toà án có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành”, bà Thanh Lam nhấn mạnh và cho rằng việc đưa phạm nhân lao động bên ngoài ít nhiều khiến người dân lo lắng, tạo áp lực cho cán bộ chiến sĩ phụ trách quản lý.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ nghiên cứu thấu đáo, quan tâm đầu tư cải tạo cơ sở giam giữ để đủ điều kiện tổ chức cho phạm nhân lao động để phòng ngừa phát sinh tội phạm.

Giải pháp quan trọng giúp

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội)

Dự thảo quy định những phạm nhân không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, trong đó có “Người tổ chức trong vụ án đồng phạm”. Nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình với quy định này.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) và đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, quy định như trên là trừu tượng vì thực tế “người tổ chức” có nhiều loại, nhiều mức độ. Theo pháp luật hình sự, nhiều trường hợp đóng vai trò tổ chức nhưng lại phạm tội ít nghiêm trọng, với mức án cao nhất 3 năm tù hoặc nghiêm trọng từ trên 3 đến 7 năm tù như đánh bạc, sử dụng ma tuý...

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM) nêu quan điểm, trường hợp “người tổ chức trong vụ án đồng phạm” không được lao động bên ngoài bất kể phạm tội gì, mức án bao nhiêu là bất hợp lý. Bởi lẽ, tội ít nghiêm trọng khác với nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Người tổ chức” trốn thuế có mức án 3 năm tù, trong khi “người tổ chức” trong vụ án giết người có mức án cao nhất là tử hình, có sự phân hoá rất lớn. Trong khi đó theo dự thảo “người tổ chức” trong vụ án ít nghiêm trọng lại bị đối xử nặng, trong khi người thực hành giúp sức trong vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (từ 7-15 năm) vẫn được hưởng chính sách trên với lý do không tổ chức, là không bình đẳng.

“Nếu áp dụng theo dự thảo thì chỉ vì vướng hai chữ “tổ chức” sẽ không được đưa đi lao động, dạy nghề bên ngoài thì chẳng khác nào phạm nhân có mức án thấp lại nguy hiểm hơn phạm nhân có mức án cao”, đại biểu nhấn mạnh và đề nghị thu hẹp phạm vi đối tượng từ 15 năm tù trở lên để phân hoá rõ hơn.

Lượt xem: 81
Tác giả: Hạnh Nguyên
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...