Di tích ở Nghệ An không được đặt quá 3 hòm công đức
Nghệ An - Quy định cấm mọi hình thức vụ lợi, trục lợi từ hoạt động tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức tại các di tích.
Ngày 6.11, thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An cho biết, đang tiến hành lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành quy định tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ di tích và hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Theo dự thảo, tiền được công đức, tài trợ cho các điểm di tích và tổ chức lễ hội phải được quản lý và sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân lợi dụng việc công đức, tài trợ cho các điểm di tích nhằm mục đích vụ lợi cho cá nhân và thực hiện các mục đích khác trái với quy định của pháp luật.
Tại mỗi di tích, đặt không quá 3 hòm công đức; trường hợp di tích có nhu cầu đặt thêm hòm công đức phải báo cáo Sở Văn hóa - Thể thao xem xét, quyết định.
Hòm công đức được niêm phong và sử dụng 2 loại khóa, 1 khóa giao cho đại diện đơn vị được giao quản lý di tích, 1 khóa giao cho Trưởng Ban Quản lý di tích hoặc ủy quyền Phó ban Thường trực nắm giữ.
Việc mở hòm công đức do đơn vị quản lý di tích quyết định nhưng tuân thủ theo quy định sau: Đối với di tích có nguồn công đức lớn, mỗi lần mở hòm công đức phải có các thành viên tổ giám sát để kiểm tra, giám sát. Số lượng thành viên đại diện tổ giám sát do đơn vị được phân cấp quản lý di tích quyết định nhưng phải có mặt trên 2/3 số thành viên.
Phiếu công đức là hình thức ghi nhận công đức do đơn vị được giao quản lý di tích quy định mẫu phiếu và phát hành. Phiếu công đức phải có số xêri và đóng dấu giáp lai của đơn vị quản lý di tích. Trường hợp Ban Quản lý di tích có tư cách pháp nhân nếu đóng dấu giáp lai của Ban vào phiếu công đức phải được đơn vị quản lý di tích ủy quyền bằng văn bản. Ban/Đơn vị được giao quản lý di tích có trách nhiệm kiểm soát số lượng phiếu công đức phát hành theo số xeri khi trên phiếu công đức.
Công đức được đóng góp dưới các hình thức bằng tiền, hiện vật, ngày công, sức lao động.
Ban Quản lý, đơn vị được giao quản lý di tích mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại tại địa phương để quản lý, theo dõi, phản ánh việc tiếp nhận quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản và phương thức thanh toán điện tử.
Ban quản lý, đơn vị được giao quản lý di tích thực hiện việc tiếp nhận tiền mặt, giấy tờ có giá, kim khí quý, đá quý, tài sản, hiện vật, công trình và các hoạt động liên quan khác.
Dự thảo quyết định cũng đưa ra quy định cụ thể về nội dung chi, mức chi cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích; quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng; quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích giao cho Ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý; quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo và di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng; quản lý, sử dụng nguồn tu sửa di tích...