Tạo bước đột phá trong hợp tác tiểu vùng Mekong trong giai đoạn phát triển mới
Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong (GMS) mở rộng lần thứ 8, từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mekong (ACMECS) lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc.
Trước chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình đã trả lời phỏng vấn báo chí, chia sẻ các nội dung liên quan đến chuyến công tác quan trọng này:
*Phóng viên: Được biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong lần thứ 10 và Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 - 8/11. Xin Thứ trưởng chia sẻ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính?
*Thứ trưởng Phạm Thanh Bình: Đây là lần đầu tiên các Hội nghị hợp tác GMS, ACMECS và CLMV được tổ chức trực tiếp trở lại sau 6 năm, là dịp để các nhà lãnh đạo thảo luận định hướng hợp tác, giúp các cơ chế vững vàng bước sang kỷ nguyên phát triển mới.
Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Trung Quốc được kỳ vọng chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa tới tiểu vùng, khu vực và cộng đồng quốc tế:
Thứ nhất, nâng cấp nội hàm hợp tác tiểu vùng. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chuyển đổi sâu rộng, toàn diện chưa từng có; xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững, bao trùm trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, tiểu vùng Mekong cần có những bước “đột phá” để đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Tại các Hội nghị lần này, bên cạnh các vấn đề truyền thống như kinh tế, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, Thủ tướng Chính phủ và các nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận những vấn đề mới, trong đó nổi bật là đổi mới sáng tạo. Những lĩnh vực hợp tác mới là nguồn xung lực mạnh mẽ định vị các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV không chỉ là các cơ chế hạt nhân truyền thống trong hợp tác tiểu vùng; mà còn là những cơ chế tiên phong đưa tiểu vùng Mekong lên một tầm cao mới trong chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.
Thứ hai, nâng cao tin cậy chính trị giữa các nước thành viên. Chuỗi sự kiện lần này quy tụ đầy đủ các quốc gia dọc sông Mekong cũng là những nước láng giềng gần gũi, có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có hoạt động tiếp xúc với đại diện các Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và người dân các nước, nhất là với chủ nhà Trung Quốc. Đây là dịp quan trọng Việt Nam thể hiện thiện chí hợp tác trên tinh thần cởi mở, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Việt Nam với các nước thành viên, cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng toàn diện.
Chuyến công tác cũng nhằm duy trì đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao hai bên đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Tô Lâm (tháng 8/2024); duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thiết thực giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, cả cấp trung ương và địa phương, phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
Thứ ba, nâng tầm vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự các sự kiện lần này thể hiện cam kết của Việt Nam đối với các cơ chế GMS, ACMECS và CLMV nói riêng và hợp tác tiểu vùng Mekong nói chung. Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ chuyển tải thông điệp Việt Nam luôn coi trọng và đóng góp thúc đẩy các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV cũng như tổng thể hợp tác tiểu vùng Mekong tạo bứt phá trong giai đoạn phát triển mới. Qua đó, khẳng định tư duy đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
*Phóng viên: Xin Thứ trưởng chia sẻ nội dung chính của các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác?
*Thứ trưởng Phạm Thanh Bình: Các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ diễn ra liên tục trong 4 ngày làm việc trên tinh thần hiệu quả, toàn diện, thực chất. Do đó, chương trình công tác Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ hết sức phong phú, đa dạng và thực chất, thể hiện ở các khía cạnh sau:
Một là, phong phú về hình thức. Theo kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và có các bài phát biểu quan trọng tại 3 hội nghị đa phương gồm Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 11; tiến hành các cuộc gặp song phương với một số đối tác quan trọng; tham dự các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam, toạ đàm với doanh nghiệp; thăm một số cơ sở kinh tế, logistic tại Côn Minh và Trùng Khánh, Trung Quốc.
Hai là, đa dạng về đối tác. Trong các ngày làm việc, Thủ tướng Chính phủ dự kiến tiếp xúc với nhiều đối tác quan trọng, có tiềm năng hợp tác với Việt Nam ở tất cả các cấp. Trong đó có các đối tác phát triển, các thiết chế tài chính đa phương, các cơ quan trung ương, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Trung Quốc. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng dành thời gian thăm hỏi, tìm hiểu đời sống của kiều bào Việt Nam tại Trung Quốc.
Ba là, thực chất về nội dung. Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác phù hợp với ưu tiên phát triển của Việt Nam trong bối cảnh mới. Trong đó, thúc đẩy các thế mạnh truyền thống như thương mại – xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, tăng cường liên kết hạ tầng cứng – hạ tầng mềm, quản lý và sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn nước xuyên biên giới; đồng thời, tích cực tìm kiếm nguồn lực phát triển các tiềm năng to lớn như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thông minh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững, giảm phát thải.
Tôi tin tưởng với sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và cá nhân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chuyến công tác lần này sẽ mang lại nhiều kết quả cụ thể, thực chất đối với Việt Nam, tiểu vùng Mekong, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
P.V