Hà Nội quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công: Thi công 3 ca, 4 kíp trong chặng nước rút
Đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hằng năm nên kết quả giải ngân nguồn vốn này rất đáng quan tâm, đòi hỏi cơ quan chức năng phải theo sát diễn biến, cũng như nhận định đúng tình hình để có những giải pháp, sự điều chỉnh phù hợp nhằm đạt mục tiêu, tỷ lệ giải ngân.
Đây cũng là thực tế đối với Hà Nội khi giải ngân vốn đầu tư công đang trong giai đoạn nước rút để phấn đấu đạt mức tối đa, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cũng như đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hạ tầng và năng lực cạnh tranh của Thủ đô…
Kết quả còn khiêm tốn
Việc triển khai kế hoạch đầu tư công của thành phố Hà Nội đã có chuyển biến tích cực, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công đến hết quý III-2024 của thành phố xét về giá trị tuyệt đối đứng thứ 2 cả nước, đồng thời cao hơn cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cũng có xu hướng gia tăng theo thời gian, quý sau cao hơn quý trước. Nhưng xét về tỷ lệ giải ngân, kết quả trong 9 tháng năm 2024 thấp hơn so với trung bình cả nước và cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, còn 33 đơn vị chưa đạt kết quả giải ngân vốn như cam kết.
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội, tính đến ngày 31-10, kết quả giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã đạt 40,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Năm 2024, tổng vốn đầu tư công thành phố Hà Nội được giao tăng 53% so với năm 2023. Vì vậy, kết quả thu được rất đáng ghi nhận, nhưng xét về tổng thể, khối lượng công việc đặt ra từ nay đến hết niên độ giải ngân là rất lớn.
Trong số các đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội là đơn vị được giao số vốn rất lớn. Tính đến ngày 25-10, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Ban đạt 59,1% kế hoạch. Theo đại diện đơn vị, với từng dự án, chủ đầu tư, nhà thầu đều lập kế hoạch tiến độ hằng tuần và thường xuyên giao ban đôn đốc tiến độ, xử lý ngay vướng mắc. Trong quá trình thi công thực tế có nhiều vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến tiến độ, như mưa lớn kéo dài, do đó chủ đầu tư, nhà thầu phải có phương án làm bù.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc 33 đơn vị chưa đạt kết quả giải ngân như cam kết, ảnh hưởng đến kết quả chung có trách nhiệm của đơn vị chủ đầu tư. Mặt khác, giai đoạn đầu năm thường dồn sức hoàn tất thủ tục nên xu hướng giải ngân tăng nhanh, dồn dập thanh toán khối lượng hoàn thành vào thời gian cuối năm. Bên cạnh đó, nhiều nguyên nhân gây hạn chế kết quả giải ngân đã được nhận diện, gồm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, khó khăn trong xác định mức giá đền bù, hạn chế về năng lực của nhà thầu… vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Chủ động vào chặng nước rút
Trước tình hình trên và nhằm đáp ứng yêu cầu giải ngân trên 95% kế hoạch Thủ tướng giao, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị, nhất là những đơn vị được giao kế hoạch vốn lớn, quyết liệt trong điều hành, thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án, như “thi công 3 ca, 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết”; đặc biệt là tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chủ động giải pháp thi công phù hợp, điều chỉnh đường găng tiến độ của các dự án để bảo đảm kế hoạch.
Tiếp theo, các đơn vị khẩn trương thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành, không để tồn đọng khối lượng đã thực hiện nhưng không được thanh toán và tránh việc dồn thanh toán vào thời điểm cuối năm. Việc kiểm soát chi đầu tư công gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ, tuyệt đối không để hồ sơ tồn đọng quá hạn không có lý do; hằng tháng công khai kết quả giải ngân, cũng như tình hình thu hồi xử lý tạm ứng vốn đầu tư...
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội cho biết, nhiệm vụ và lượng vốn đầu tư công cần giải ngân còn rất lớn nên Kho bạc Nhà nước tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư tháo gỡ ngay vướng mắc. Đơn vị sẽ bố trí nhân sự làm việc cả ngày nghỉ, phấn đấu đưa tỷ lệ giải ngân đạt cao nhất khi kết thúc năm ngân sách.
“
Theo báo cáo ngày 25-10 của Sở Kế hoạch và Đầu tư, còn 33 đơn vị chưa đạt cam kết giải ngân vốn đầu tư công, với tổng giá trị giải ngân cần tăng thêm để đạt cam kết là 12.738 tỷ đồng, tương đương 15,7%. Trong các tháng còn lại của năm 2024, thành phố phải giải ngân 44.927 tỷ đồng, tương đương 55,4% kế hoạch.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa có Chỉ thị số 12/CT-UBND về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Theo đó, những đơn vị đã giải ngân tốt tiếp tục duy trì, phát huy và nâng cao hiệu quả thực hiện. Các đơn vị giải ngân chậm khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay tồn tại, vướng mắc, thực hiện mọi biện pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị để kịp thời tháo gỡ vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ dự án để có khối lượng hoàn thành, thanh toán; làm đến đâu thanh toán đến đó, không để tồn đọng khối lượng và tránh dồn việc vào thời điểm cuối năm. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả đều phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh:
Cần có cách làm phù hợp với quyết tâm lớn
Giải ngân vốn đầu tư công là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội so với bình quân chung cả nước còn thấp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là giải phóng mặt bằng và hồ sơ, thủ tục liên quan đến khởi công dự án gặp khó khăn. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội là địa phương được giao nhiều vốn đầu tư công nên áp lực rất lớn. Đây cũng là nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu mặc dù thành phố đã chủ động và nỗ lực liên tục.
Luật Đất đai 2024 có hiệu từ ngày 1-8-2024. Với những quy định trong luật, một bộ phận người dân nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng hy vọng giá đền bù đất sẽ cao hơn nên chần chừ trong việc bàn giao mặt bằng để chờ áp dụng giá mới. Đó cũng là thực tế cần xem xét, đồng thời tìm cách giải quyết, tránh ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Để đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội cần có cách làm phù hợp với sự quyết tâm rất lớn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm:
Tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí nguồn vốn
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thị trường, có 7 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, phản ánh sản xuất công nghiệp và dịch vụ có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa vững chắc. Trong bối cảnh đó, giải ngân vốn đầu tư công càng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2024, vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội được giao khá lớn nhưng lũy kế 10 tháng kết quả giải ngân còn thấp. Để giải ngân 95% vốn đầu tư công theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong thời gian còn lại, Hà Nội phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn và là nhiệm vụ rất khó khăn. Muốn vậy, các cấp, ngành phải tập trung điều hành quyết liệt, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, đấu thầu, nguyên vật liệu thi công; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai để giải ngân tối đa vốn. Bài học kinh nghiệm là khẩn trương, chủ động giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí vốn ngân sách…
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định Nguyễn Văn Hiến:
Hà Nội có thể đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công
Kinh nghiệm của những năm trước cho thấy, trong những tháng cuối năm, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh. Hà Nội có thể đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công nếu như có sự nỗ lực, quyết tâm lớn.
Một số biện pháp lớn cần đặc biệt quan tâm là tháo gỡ ngay vướng mắc về giải phóng mặt bằng, kịp thời bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Đặc biệt với các dự án lớn, dự án trọng điểm tác động lớn đến số vốn giải ngân, các cấp, ngành nên tập trung, phối hợp xử lý quyết liệt. Bên cạnh đó, dự án đã được bàn giao mặt bằng thì phải tập trung thi công, tăng ca, tăng kíp. Chủ đầu tư giám sát chặt chẽ tiến độ thi công của nhà thầu, tháo gỡ ngay vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công và chịu trách nhiệm về tiến độ dự án. Biện pháp nữa là điều hòa vốn giữa các dự án, ưu tiên vốn cho dự án đã đủ thủ tục, điều kiện để tăng tốc giải ngân vốn. Cuối cùng là đẩy nhanh thủ tục thanh toán cho các hạng mục đã thực hiện, tránh tình trạng nợ nhà thầu khối lượng đã thi công.
Hương Sơn ghi