Ấm áp "Tết sum vầy" cho công nhân các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội
Ngày 7/1, tại khu nhà ở công nhân lao động Kim Chung (Đông Anh), Công đoàn các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” và “Chợ Tết Công đoàn”.
Chương trình có Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Phạm Quang Thanh; Bí thư Đảng uỷ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội Lê Quang Long.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Phạm Quang Thanh (bên phải) trao hỗ trợ tại Tết sum vầy |
Ổn định thị trường lao động
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết: Trong năm qua, hoạt động Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất đã đạt được những kết quả toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Công đoàn đã có những cách làm sáng tạo, thể hiện được vai trò, trách nhiệm trước đoàn viên, người lao động. Nhiều chương trình, nội dung hoạt động mới đã được triển khai, thực hiện như: Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ người lao động khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng dịch bênh COVID-19; Chương trình hỗ trợ “Mái ấm công đoàn”, “Phúc lợi đoàn viên”, “Tháng Công nhân”...
Công đoàn đã vận động công nhân lao động thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua đại dịch COVID-19; Các cấp Công đoàn cũng đã cùng với người sử dụng lao động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đảm bảo việc làm và thu nhập cho công nhân lao động.
Chương trình được tổ chức tại tại khu nhà ở công nhân lao động Kim Chung (Đông Anh) |
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị. Công đoàn Khu Công nghiệp và Chế xuất đã có nhiều biện pháp linh hoạt, phối hợp chặt chẽ cùng người sử dụng lao động thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, người lao động; Thúc đẩy thực hiện cơ chế 3 bên; Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ theo tinh thần Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư.
Qua đó, góp phần ổn định quan hệ lao động, thị trường lao động, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; Tổ chức tốt đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động và Công đoàn trong doanh nghiệp; Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; Đẩy mạnh công tác thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể, góp phần đảm bảo các chế độ chính sách, từng bước nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
"Thành tích và sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ Công đoàn và công nhân lao động trong các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã lan tỏa tô thắm thêm mầu “Áo xanh Công đoàn Thủ đô”; Góp phần quan trọng vào xây dựng đội ngũ công nhân lao động Thủ đô ngày càng lớn mạnh, hiện đại, xứng đáng là lực lương tiên phong, đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước"- Chủ tịch LĐLĐ TP Phạm Quang Thanh ghi nhận.
Công nhân tham dự chương trình |
Tổ chức tốt các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội lưu ý, năm 2022 do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong thời gian dài, không ít doanh nghiệp và người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì vậy, dịp Tết Nguyên đán cùng với việc nắm chắc tình hình quan hệ lao trong các Khu Công nghiệp và Chế xuất trên địa bàn TP.
Từ đó, đồng chí đề nghị Ban Thường vụ Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các nội quy, quy chế của doanh nghiệp có liên quan đến quyền, lợi ích và các chế độ phúc lợi để người lao động biết, tạo sự đồng thuận; Không để phát sinh điểm nóng về quan hệ lao động, bị các đối tượng lợi dụng lôi kéo, kích động tham gia các hoạt động gây mất an ninh trật tự.
Cùng với đó, nắm chắc tình hình, tư tưởng, tâm tư tình cảm, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động trong từng doanh nghiệp. Khi có vướng mắc phát sinh, Công đoàn cần khẩn trương phối hợp với các cấp chính quyền, người sử dụng lao động kịp thời giải quyết; Hạn chế đến mức thấp nhất các cuộc tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể xảy ra.
Chương trình cũng tổ chức 10 gian hàng bán giảm giá cho đoàn viên, công nhân lao động |
Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cần thường xuyên quan tâm chăm lo và thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Trước mắt, tập trung tổ chức tốt các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Quý Mão; Không được để bất cứ đoàn viên, người lao động nào không có Tết. Đồng thời, vận động đoàn viên, người lao động đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tích cực thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động và chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu.
Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động các quận, huyện và cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội nơi có Khu Công nghiệp đóng trên địa bàn quan tâm, chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; đặc biệt chăm lo, hỗ trợ, động viên những công nhân lao động thuê trọ trên địa bàn ở lại Hà Nội không về quê đón Tết cùng gia đình.
10 gian hàng bán giảm giá cho đoàn viên, công nhân lao động
Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân gắn kết” và “Chợ Tết Công đoàn” năm 2023 là một hoạt động hết sức có ý nghĩa của tổ chức Công đoàn.
Tại chương trình, 1.500 đoàn viên, công nhân lao động đã được sống trong không khí vui tươi, ngập tràn sắc xuân với cuộc thi gói bánh chưng, bầy mâm ngũ quả, bốc thăm trúng thưởng, chương trình văn nghệ, các trò chơi dân gian có thưởng…Chương trình cũng tổ chức 10 gian hàng bán giảm giá cho đoàn viên, công nhân lao động.
Chương trình cũng tổ chức 10 gian hàng bán giảm giá cho đoàn viên, công nhân lao động |
Có mặt tại địa điểm tổ chức Tết sum vầy từ sớm, chị Nguyễn Thị Đào - công nhân Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam - rất xúc động trước sự quan tâm của tổ chức Công đoàn.
Chị Đào quê Hà Tĩnh ra Hà Nội làm công nhân 18 năm nhưng vẫn phải thuê nhà ở trọ. Thu nhập bình quân của chị Đào khoảng 9 triệu đồng. Chồng chị làm nghề tự do nên thu nhập bấp bênh. Với số tiền kiếm được vợ chồng chị vô cùng vất vả để nuôi 2 con ăn học. Tết đến, riêng tiền vé xe về quê Hà Tĩnh của 4 người đã hết 3,2 triệu đồng khứ hồi. Do điều kiện cá nhân nên chị Đào không đăng ký xe đưa đón của Công đoàn.
Lần đầu tiên được tham gia Tết sum vầy, lại được nhận hỗ trợ từ Công đoàn, chị Đào chia sẻ: “Nhiều năm qua tôi cũng như các bạn công nhân luôn nhận được sự quan tâm của Công đoàn trong cả cuộc sống và công việc. Hôm nay lại được nhận hỗ trợ và xem các tiết mục văn nghệ tôi rất vui. Một lần nữa tôi xin cảm ơn Công đoàn”.
Với chị, dù không trực tiếp tham gia thi gói bánh chưng nhưng chỉ cần nhìn thấy lá dong, gạo nếp, đậu xanh là thấy Tết đã đến rất gần. Vui một chút rồi chị dành thời gian tranh thủ đến các gian hàng để mua sắm Tết với giá ưu đãi.
Nhân dịp Tết nguyên đán Quý Mão năm 2023, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội hỗ trợ 2.372 đoàn viên, công nhân lao động Các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mức 1.000.000 đồng/người, tổng số tiền hỗ trợ là 2.376.000.000 đồng. Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội hỗ trợ 13.214 đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn mức 500.000 đồng/người, tổng số tiền là 6.607.000.000 đồng; Hỗ trợ cho 694 người lao động tại những doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn cơ sở nhưng đóng kinh phí Công đoàn theo Nghị định 191/NĐ-CP với tổng số tiền là 347.000.000 đồng. |