Đại biểu Quốc hội cho rằng thời điểm này tăng giá điện là hợp lý

Chính phủ giao Bộ Công Thương, phối hợp các cơ quan nghiên cứu phương án đề xuất của EVN, xây dựng lộ trình tăng giá điện, đồng thời đánh giá kỹ lưỡng tác động, đảm bảo sự tác động nhỏ nhất trong trường hợp có sự điều chỉnh giá điện.

Đại biểu Quốc hội cho rằng thời điểm này tăng giá điện là hợp lý

Đề xuất tăng giá điện. Ảnh: EVNNPC

Nếu định giá quá thấp, vô hình trung đang bán tài nguyên quốc gia giá thấp

Tại họp báo thường kỳ Chính phủ vừa qua, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị tăng giá điện và đề xuất phương án.

Chính phủ đã giao Bộ Công Thương cùng các bộ ngành nghiên cứu phương án đề xuất của EVN. Trên cơ sở này, Bộ sẽ xây dựng lộ trình tăng giá điện, trong đó cân nhắc yếu tố lạm phát, đời sống người dân.

Đề xuất tăng giá điện của EVN đưa ra, chủ yếu do các chi phí đầu vào sản xuất điện tăng vọt, khiến tập đoàn này ghi nhận lỗ hơn 31.000 tỉ đồng năm 2022.

Trao đổi với Lao Động, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, giá điện là yếu tố rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội vì là nguyên liệu đầu vào của mọi ngành, lĩnh vực kinh tế cũng như đời sống của người dân.

Thời gian vừa qua, mặc dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia, song Việt Nam vẫn kiểm soát rất tốt lạm phát, CPI, cho nên giá điện của chúng ta vẫn giữ được sự ổn định - trong khi các yếu tố đầu vào của giá điện đều tăng. 

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm. Ảnh: Văn Phong

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm. Ảnh: Văn Phong 

Tại Việt Nam, giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy bình quân 10 tháng trong năm 2022 đã tăng hơn 150% so với cùng kỳ 2021. Giá than trộn (than sản xuất trong nước trộn với than nhập khẩu) cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện trong quý III/2022 của TKV và Tổng công ty Đông Bắc cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

"Điện là mặt hàng đặc biệt do nhà nước định giá. Việc xem xét, định giá điện phải dựa trên mối quan hệ tổng thể của kinh tế vĩ mô, đặc biệt phải tính đến yếu tố lạm phát. Khi điều chỉnh tăng giá điện cần tính toán tác động đến các lĩnh vực khác như thế nào?

Nếu các yếu tố vĩ mô khác (tác động đến lạm phát) tăng ở mức độ hợp lý thì cho phép điều chỉnh tăng giá điện, để giá điện Việt Nam tiệm cận với giá thị trường điện của thế giới và khu vực", ông Lâm cho hay.

Cũng theo vị đại biểu Quốc hội, điện cơ bản sản xuất trên các nguồn tài nguyên quốc gia, nếu định mức giá quá rẻ, vô hình trung, chúng ta bán tài nguyên quốc gia giá rẻ, gây lãng phí và thiệt hại cho quốc gia.

Nhưng không thể vì yếu tố đó mà làm cho tăng giá điện quá cao, ảnh hưởng đến người dân, ảnh hưởng tới lạm phát.

"Tôi cho rằng, thời điểm này cân nhắc tính toán tăng giá điện, tăng là hợp lý, cũng như cải cách bảng giá điện còn nhiều bất cập hiện nay. Đồng thời phải tính đến yếu tố thay đổi cơ cấu nguồn điện khi nguồn năng lượng tái tạo (giá cao) ngày càng tăng lên", ông nói.

Tính toán tăng giá điện ở mức độ phù hợp

Theo GS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, giá điện bao gồm 4 thành phần: Giá phát điện, phí truyền tải, phí phân phối và phí dịch vụ phụ trợ. Trong 4 thành phần này, giá phát điện, hay nói cách khác là nguồn điện chiếm tỷ trọng khoảng 65% trong điều kiện của Việt Nam. Tương lai, giá phát điện ngày càng tăng. Ưu thế giá rẻ từ thủy điện của Việt Nam ngày càng giảm. 

"Hiện nay, than lộ thiên đã khai thác hết, chuyển sang khai thác than hầm lò, xuống sâu trong lòng đất, dẫn đến giá than ngày càng cao. Hơn nữa, giá than nhập lại phụ thuộc vào tỉ giá hối đoái. Chưa kể đến những biến động của thị trường năng lượng thế giới.

Vì vậy, khi tăng giá điện, phải dựa trên những tính toán về biến động giá của các loại tài nguyên này, cộng với tỉ giá ngoại tệ. Giá nguyên liệu tăng, nhân công tăng, tỉ giá hối đoái cũng tăng thì phải tính toán tăng giá điện ở mức độ phù hợp", ông nói.

Gần 4 năm chưa điều chỉnh giá điện

Tại Quyết định 24 quy định cơ chế điều chỉnh giá điện trong năm, hàng quý, EVN cập nhật chi phí phát điện của quý trước liền kề, dự kiến thông số đầu vào khâu phát điện của các quý còn lại trong năm... để tính toán giá bán lẻ điện bình quân. Nếu thông số đầu vào của khâu phát điện làm giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% trở lên thì giá điện được điều chỉnh tăng và ngược lại giá sẽ giảm.

"Như vậy đã có cơ chế đảm bảo giá điện theo sát giá đầu vào, phản ánh biến động giá trên thị trường với giá bán lẻ điện bình quân", ông Hải nói.

Theo Quyết định 24 quy định, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu 6 tháng từ lần điều chỉnh gần nhất. Việc này nhằm phản ánh khách quan những biến động chi phí sản xuất. Gần nhất, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh ngày 20/3/2019, tức gần 4 năm chưa điều chỉnh giá điện.

Lượt xem: 10
Tác giả: PV
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...