Đối thoại tạo sự thống nhất, đồng thuận cao

Ngày 25-5-2017, Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội” (Quyết định 2200). Sau hơn 5 năm đi vào thực tiễn, quyết định trên giúp khơi thông nhiều điểm nghẽn, kịp thời giải quyết những vướng mắc nảy sinh, góp phần tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân khi triển khai, thực hiện chủ trương, chính sách quan trọng của Trung ương và thành phố.

Trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân

Là một trong những quận trung tâm của Thủ đô, Hoàn Kiếm có nhiều việc khó đã được giải quyết thông qua hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân. Đồng chí Vũ Đăng Định, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm cho chúng tôi biết: "Khi thực hiện phương án quản lý bờ sông Hồng thuộc địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân, quận đã buộc một số hộ dân phải tổ chức tháo dỡ các công trình lấn chiếm trái phép. Ban đầu, một số hộ dân từ chối tiếp tổ công tác, nhưng sau đối thoại đã hợp tác trong đo đạc, kiểm đếm diện tích và nhận tiền hỗ trợ, bồi thường để sớm ổn định cuộc sống. Hoặc trong công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, một số hộ dân có nhà, đất bị thu hồi ban đầu không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền phường Trần Hưng Đạo và quận Hoàn Kiếm đã tổ chức đối thoại, tiếp thu ý kiến nhân dân, sau đó công việc tiến hành thuận lợi...".

Chia sẻ về hiệu quả của hoạt động tiếp xúc, đối thoại, đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ cho biết, thời gian qua, quận trao đổi, làm rõ và trả lời trực tiếp tại hội nghị 2.052/2.646 ý kiến, đạt 77,5%. Quận lựa chọn những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống dân sinh để tập trung đối thoại. Nhờ vậy, năm 2021 và 2022, chỉ số cải cách hành chính của quận Tây Hồ đứng thứ 5/30 quận, huyện, thị xã của thành phố.

Người dân xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (Hà Nội) ký biên bản chấp thuận giải phóng mặt bằng. Ảnh: TÔ QUÝ 

Ở quận Ba Đình, từ thực hiện Quyết định 2200 đã có 8 hội nghị định kỳ cấp quận được tổ chức, với sự tham gia của hơn 1.730 đại biểu. Qua đó, nhiều kiến nghị của nhân dân trong triển khai các dự án lớn được các cơ quan chức năng tham mưu xử lý giải quyết hiệu quả như: Dự án đường vành đai 1, dự án đường Liễu Giai-Núi Trúc.

Trong quá trình tổ chức đối thoại, nhiều địa phương áp dụng cách làm sáng tạo như: Huyện Mê Linh mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hội nghị đối thoại để cùng tháo gỡ những việc nóng, việc khó tại địa phương; các quận, huyện: Tây Hồ, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ... mở rộng đối tượng chủ trì và tham gia đối thoại, giúp giải quyết nhiều vướng mắc, tạo đồng thuận trong nhân dân. Nhiều nơi sử dụng phiếu xin ý kiến rộng rãi đến các đại biểu đại diện nhân dân địa phương trước khi tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại; huyện về xã, xã về thôn để thực hiện đối thoại với phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”.

Từ khi thực hiện Quyết định 2200 đến nay, cấp thành phố tổ chức 19 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Có hơn 2.500 lượt người tham gia hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của các đồng chí Thường trực Thành ủy với gần 300 ý kiến góp ý, kiến nghị được tiếp thu, giải quyết. Cấp huyện định kỳ tổ chức được 210 hội nghị, thu hút gần 47.700 lượt người tham gia với hơn 8.400 lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời (chiếm 98,4%). Cấp xã, phường, thị trấn tổ chức gần 3.000 hội nghị đối thoại, thu hút gần 281.800 lượt người tham gia với hơn 41.300 lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời (chiếm 97%).

Đáng chú ý, các quận, huyện, thị xã tổ chức 826 hội nghị tiếp xúc, đối thoại đột xuất với hơn 34.500 lượt người tham gia và gần 97% ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, dự báo chính xác tình hình, không để phát sinh điểm nóng.

Nâng cao chất lượng tiếp xúc, đối thoại

Theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, thông qua tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến của nhân dân, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, khơi thông điểm nghẽn, có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Thành ủy lựa chọn những vấn đề khó khăn, vướng mắc để ban hành các nghị quyết chuyên đề và chỉ thị, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn phát triển của thành phố như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, công tác an sinh xã hội, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án, giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc.

Bên cạnh kết quả đạt được, đồng chí Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội thẳng thắn nêu một số hạn chế trong thực hiện Quyết định 2200. Đó là công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia tiếp xúc, đối thoại với cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại một số nơi chưa được coi trọng. Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về nội dung Quyết định 2200 chưa thực sự sâu sắc. Đáng chú ý, một số nơi còn lúng túng trong công tác chuẩn bị, điều hành, tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại. Một số địa phương, đơn vị lại xác định nội dung đối thoại chưa đúng mục đích, yêu cầu. Nội dung đối thoại còn nặng về giải quyết những kiến nghị, vụ việc dân sinh bức xúc mang tính nhỏ lẻ; số hội nghị đối thoại chuyên đề còn thấp. Ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham vấn trong lãnh đạo, chỉ đạo, hiến kế phát triển kinh tế-xã hội chưa nhiều.

Cùng với những tồn tại nêu trên, một số hội nghị đối thoại còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và thời gian giải quyết; hiệu quả của việc giám sát kết luận sau các cuộc tiếp xúc, đối thoại chưa cao. Đáng chú ý, tại một số địa phương, việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo kết quả các hội nghị tiếp xúc, đối thoại cấp trên để nắm tình hình chưa kịp thời, dẫn đến chậm giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân.

Để triển khai thực hiện tốt hơn nữa Quyết định 2200 trong thời gian tới, lãnh đạo nhiều địa phương trong thành phố cho rằng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thống nhất quan điểm, quy trình, quy định của pháp luật để trả lời nhân dân, nhất là những quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng, việc thực hiện các chế độ, chính sách. Các cấp, các ngành cần đổi mới, đa dạng hóa nhiều hình thức, cách thức tổ chức tiếp xúc, đối thoại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính và phát huy dân chủ.

Theo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, Thành ủy sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội các cấp và nhân dân trực tiếp tham gia tiếp xúc, đối thoại; đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tổ chức điều hành, trả lời các đề xuất, kiến nghị của nhân dân. Trong tiếp xúc, đối thoại cần tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực; tập trung giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị các cấp trong thành phố theo hướng sâu sát cơ sở, qua đó thực hiện tốt vai trò vận động, tham gia tiếp xúc, đối thoại đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Lượt xem: 17
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết