Tín hiệu mừng từ con cá tra
Ngành thủy sản kết thúc năm 2022 với một kết quả được đánh giá là “thành công mỹ mãn”. Doanh số xuất khẩu cả năm đạt 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021 và cũng là mốc kỷ lục của ngành sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.
Trong số mặt hàng xuất khẩu, các sản phẩm từ chăn nuôi chiếm tỷ trọng vượt trội như tôm đạt 4,3 tỷ USD, cá tra đạt 2,4 tỷ USD...
Việc cá tra đạt giá trị xuất khẩu 2,4 tỷ USD rất có ý nghĩa và tạo niềm tin lớn cho người nông dân nuôi cá. Với giá cá nguyên liệu và thành phẩm xuất khẩu năm 2022, cả doanh nghiệp, người nông dân đều có lãi. Đối với người nông dân, chuỗi ngày “một nắng hai sương” của họ đã được đền đáp xứng đáng. Còn với doanh nghiệp, sự năng động, chịu khó tìm tòi thị trường, đa dạng sản phẩm trong chế biến và xuất khẩu đã cho quả ngọt. Phân tích cụ thể con số 2,4 tỷ USD xuất khẩu cá tra cho thấy, thị trường với mặt hàng này còn nhiều dư địa, triển vọng rất khả quan với người nuôi cá.
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu. Ảnh minh họa: TTXVN |
Lâu nay, người tiêu dùng thường chỉ biết tới sản phẩm phi lê của cá tra. Tuy vậy, từ sự quảng bá, qua hội chợ quốc tế và trong nước, các chương trình xúc tiến thương mại cho thấy, từ con cá tra có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon, hấp dẫn, trong khi chúng ta mới chỉ tập trung nhiều vào phi lê. Không chỉ vậy, từ con cá tra cũng có thể chế biến ra nhiều sản phẩm khác. Đơn cử như việc chúng ta vẫn chưa có giải pháp để tận dụng được các phụ phẩm của con cá tra. Hiện các cơ sở chế biến mới tận dụng chế biến được dầu cá, bột cá, collagen... còn máu cá vẫn chưa được chế biến. Một số chuyên gia cho rằng, nếu có thể nghiên cứu, chế biến, tận dụng nguồn phụ phẩm này sẽ góp phần giúp khai thác hiệu quả kinh tế từ cá tra.
Ở một khía cạnh khác cho thấy, hiện ngành hàng cá tra mới chú trọng vào xuất khẩu với tỷ trọng chiếm đến 65-70%. Thị trường trong nước đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân vẫn đang bị bỏ ngỏ. Không chỉ vậy, các ý kiến cũng cho rằng, để phát triển bền vững ngành hàng cá tra cần nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là việc liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng giữa người nông dân và doanh nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị...
Sau những thành công và thất bại, thậm chí phải trả giá đắt với sản phẩm này qua hàng chục năm gây dựng, hiện cả người nông dân chăn nuôi, doanh nghiệp bao tiêu, chế biến và xuất khẩu cá tra đều ý thức được sự “sống còn” của mình với con cá, bởi thế họ luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Chính việc chăn nuôi bảo đảm các yếu tố về chất lượng là nguyên nhân cốt lõi được nhiều thị trường chấp nhận, trong đó có những thị trường rất khó tính, đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn. Về cơ bản, hiện nay, các cơ sở nuôi cá tra đã truy xuất được nguồn gốc. Đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, họ đã rất linh động trong việc cơ cấu sản phẩm và cơ cấu thị trường, tự đổi mới mình về mọi mặt, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản, liên tục tìm hướng đi, tìm thị trường phù hợp để có hiệu quả nhất. Bài học cho thấy, muốn tồn tại và phát triển thì không có cách nào khác là sự linh động và làm ăn chân chính.