Trung Quốc chỉ ra một quyết định đã khiến cả nền kinh tế toàn cầu "toát mồ hôi"

Hãng tin CNN cho hay chỉ với việc siết chặt xuất khẩu 2 nguyên liệu này, Trung Quốc đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu mảng bán dẫn, quốc phòng, xe điện, viễn thông... vốn có tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu USD gặp rủi ro lớn.

Trung Quốc chỉ ra một quyết định đã khiến cả nền kinh tế toàn cầu "toát mồ hôi" - Ảnh 1.

Hãng tin CNN cho hay chỉ 1 tháng sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu Germanium và Gallium, 2 nguyên liệu chủ chốt sản xuất bán dẫn, các lô hàng xuất khẩu ra nước ngoài của những nguyên liệu này từ Trung Quốc đã giảm xuống gần như bằng 0.

Trong tháng 8/2023, Trung Quốc không hề xuất khẩu bất kỳ lô hàng Gallium hay Germanium nào ra ngoài biên giới.

Xin được nhắc rằng Trung Quốc gần như độc quyền trong mảng xuất khẩu 2 nguyên liệu chính này.

Năm 2022, nền kinh tế thứ lớn 2 thế giới chiếm 98% sản lượng sản xuất Gallium trên toàn cầu và con số này là 68% với lượng tinh chế Germanium.

Trung Quốc chỉ ra một quyết định đã khiến cả nền kinh tế toàn cầu "toát mồ hôi" - Ảnh 2.

Mặc dù tổng giá trị thị trường ngành khai khoáng, tinh chế Gallium và Germanium chỉ vào khoảng vài trăm triệu USD nhưng 2 nguyên liệu này lại đóng vai trò chủ chốt trong mảng bán dẫn, quốc phòng, xe điện, viễn thông... vốn có tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu USD.

“Vẫn còn quá sớm để dự đoán về mức độ của các lệnh cấm trên nhưng nếu Trung Quốc ngừng xuất khẩu lượng lớn 2 nguyên liệu chủ chốt này thì sẽ gây nên sự gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, giám đốc Xiaomeng Lu của Eurasia Group nhận định.

Mặc dù Phương Tây vẫn có thể tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu khác nhưng việc thay thế Trung Quốc là điều hầu như bất khả thi.

Việc xây dựng chuỗi cung ứng độc lập cho Gallium và Germanium cần đầu tư tối thiểu hơn 20 tỷ USD và mất nhiều năm mới có thể đi vào hoạt động.

“Việc phát triển công nghệ tinh chế và các cụm nhà máy sản xuất Gallium và Germanium sẽ tốn rất nhiều thời gian, nhất là phải tính đến cả các tác động về ô nhiễm môi trường”, giáo sư Marina Zhang của trường đại học công nghệ Sydney cho hay.

Thống trị

Trung Quốc đã thống trị mảng tinh chế 2 nguyên liệu trên suốt 10 năm qua.

Trong khi Gallium là một kim loại mềm được sử dụng nhiều để sản xuất các hợp chất tạo ra chip bán dẫn cho smartphone hay vệ tinh liên lạc thì Germanium là kim loại cứng được dùng sản xuất sợi quang cho dữ liệu điện tử.

Cả 2 nguyên liệu này đều không thể tìm thấy trong tự nhiên ở độ tinh khiết cần thiết. Chúng cần phải được tổng hợp và thường là sản phẩm phụ của ngành luyện kim chính như nhôm, kẽm hay đồng.

Trung Quốc chỉ ra một quyết định đã khiến cả nền kinh tế toàn cầu "toát mồ hôi" - Ảnh 3.

“Trung Quốc là nước thống trị trong sản xuất 2 nguyên liệu này không chỉ vì chúng hiếm mà còn là bởi họ giữ được chi phí sản xuất rẻ mà không một nhà sản xuất nào khác trên thế giới có thể cạnh tranh được. Ngành tinh chế, sản xuất kim loại quý này rất tốn tiền, đòi hỏi nhiều công nghệ khó, cần nhiều năng lượng và rất ô nhiễm môi trường”, chuyên gia chiến lược Ewa Manthey của ING Group nhận xét.

Số liệu của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) cho thấy trong khoảng 2005-2015, sản lượng Gallium của Trung Quốc đã tăng vọt từ 22 tấn lên 444 tấn.

Nhờ sản lượng sản xuất nhôm cực cao của mình mà Trung Quốc cũng dẫn đầu mảng tinh chế Gallium khi đây là sản phẩm phụ từ quá trình luyện kim.

Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh còn yêu cầu các nhà sản xuất nhôm phải có tiêu chuẩn tinh chế Gallium trong quá trình luyện kim, qua đó thúc đẩy sản lượng nguyên liệu này.

Đây chính là lý do mà trong suốt 10 năm qua, việc tìm nguồn Gallium bên ngoài Trung Quốc là không khả thi do không cạnh tranh nổi về chi phí lẫn sản lượng.

Từ năm 2013 đến năm 2016, toàn bộ các dự án sản xuất Gallium của Kazakhstan, Hungary và Đức đều đã phải đóng cửa vì không cạnh tranh nổi.

Chật vật tìm nguồn thay thế

Số liệu của USGS cho thấy Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện chỉ chiếm 1,8% sản lượng Gallium toàn cầu năm 2022.

Riêng Germanium thì có Canada và Mỹ cũng sản xuất được nhưng giá cả và sản lượng đều không so bì được với Trung Quốc.

Tác giả Chris Miller của cuốn “Chiến tranh chip bán dẫn” (Chip War) nói với CNN rằng sẽ rất khó để dịch chuyển nguồn cung ứng nguyên liệu ngay lập tức được nếu không làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Thêm vào đó, động thái này sẽ đẩy giá lên rất cao do chi phí đi lên.

Trung Quốc chỉ ra một quyết định đã khiến cả nền kinh tế toàn cầu "toát mồ hôi" - Ảnh 4.

Ngoài ra, việc tái chế 2 nguyên liệu này cũng là một giải pháp khả thi nhưng khó lòng đáp ứng được nhu cầu sản xuất ngày một cao của toàn ngành bán dẫn.

Giá Gallium trên thị trường quốc tế đã tăng hơn 17% kể từ tháng 6/2023, còn Germanium là 3%.

Lượt xem: 2
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...