Cơ hội lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc
Triển lãm quốc phòng và hàng không vũ trụ quốc tế Seoul (Seoul ADEX) 2023 diễn ra từ ngày 17 đến 22-10 tại căn cứ không quân Seoul ở phía Nam thủ đô Seoul được đánh giá là cơ hội lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc.
Yonhap ngày 16-10 cho biết, triển lãm năm nay có quy mô lớn nhất kể từ lần đầu được tổ chức vào năm 1996. Seoul ADEX 2023 dự kiến có sự tham gia của khoảng 550 doanh nghiệp đến từ 35 quốc gia trên thế giới. Đài KBS nhấn mạnh con số này vượt xa con số 440 doanh nghiệp đến từ 28 quốc gia tại Seoul ADEX 2021 (bởi triển lãm được tổ chức hai năm một lần).
Đội bay biểu diễn Black Eagles của không quân Hàn Quốc thực hiện màn trình diễn trong một sự kiện dành cho báo chí tại căn cứ không quân Seoul ngày 16-10, trước thềm Seoul ADEX 2023. Ảnh: Yonhap |
Đài KBS cho biết, cùng với sự hiện diện của máy bay tiêm kích F-22 Raptor của không quân Mỹ, vốn được xem là dòng máy bay tiêm kích hiện đại và uy lực hàng đầu thế giới, một trong những điểm nhấn của Seoul ADEX 2023 là màn ra mắt công chúng của dòng máy bay tiêm kích KF-21 do Hàn Quốc sản xuất. Theo Yonhap, dự án KF-21 trị giá hơn 6,6 tỷ USD nhằm đưa Hàn Quốc trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới tự phát triển thành công các máy bay tiêm kích siêu thanh.
Yonhap nhấn mạnh, các doanh nghiệp quốc phòng Hàn Quốc dự kiến trưng bày những công nghệ và hệ thống vũ khí mới nhất của mình tại Seoul ADEX 2023 nhằm thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng. Reuters ngày 16-10 dẫn lời ông Lee Jong-ho, đại diện ban tổ chức Seoul ADEX 2023 khẳng định, với hơn 450 quan chức quốc phòng cấp cao đến từ 54 quốc gia dự kiến tham dự cùng hàng trăm nghìn người dân đến tham quan, triển lãm năm nay tạo cơ hội cho ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc thu hút sự chú ý của quốc tế và "có bước nhảy vọt".
Seoul ADEX 2023 diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đặt mục tiêu chiếm 5% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu vào năm 2027 để trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới. "Triển lãm năm nay cũng nhằm xúc tiến giúp Hàn Quốc đạt mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới", ông Lee Jong-ho nói với Reuters. Theo tờ The Korea Times, Hàn Quốc hiện là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tám trên thế giới và thứ hai tại châu Á. Yonhap cho biết, năm ngoái, doanh thu từ xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đạt con số kỷ lục 17,9 tỷ USD. Reuters dẫn thông tin từ Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu vũ khí là 20 tỷ USD trong năm nay.
Trong một bài viết, tờ DW nêu rõ trang thiết bị quân sự do Hàn Quốc sản xuất được các nước đánh giá là đáng tin cậy và có công nghệ tiên tiến với giá cả phải chăng. Các cường quốc tầm trung, vốn luôn tìm kiếm sự cân đối giữa lợi ích và chi phí, xem trang thiết bị quân sự của Hàn Quốc là một lựa chọn tốt. Tờ The Japan Times dẫn lời nhà nghiên cứu Siemon Wezeman tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đánh giá các loại vũ khí do Hàn Quốc sản xuất đã đạt tới “độ tinh vi” để “sánh ngang với các sản phẩm của nhiều nhà sản xuất “truyền thống hơn” như Anh, Pháp, Italy, Thụy Điển và Israel, ít nhất là về mặt công nghệ”. Chuyên gia Jon Grevatt tại hãng phân tích quốc phòng Janes cũng cho biết, ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Hàn Quốc ngày càng “ăn nên làm ra” còn nhờ vào sự hỗ trợ của Seoul dành cho khách hàng thông qua các khoản vay, thanh toán linh hoạt, chuyển giao công nghệ, các khoản đầu tư và hợp tác trong những lĩnh vực khác ngoài quốc phòng.