Bứt phá của Trung Quốc trong nền kinh tế kỹ thuật số
Những đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và thương mại điện tử của Trung Quốc thời gian qua đã tác động to lớn tới quỹ đạo nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu.
Trong căn phòng cách âm nhìn xuyên thấu, một thanh niên Nigeria đang rao bán những bộ đồ thể thao đầy màu sắc cho khách hàng Mỹ qua nền tảng phát trực tiếp của Trung Quốc. Cách đó không xa, hai người Pakistan sử dụng ứng dụng thanh toán di động của Trung Quốc để mua túi Kopi Luwak từ một doanh nghiệp Indonesia. Ngay bên cạnh, mấy vị khách Phần Lan say sưa thưởng thức một bản nhạc piano mà “người chơi” là một robot do Trung Quốc sản xuất.
Tân Hoa xã cho hay, đây là những hình ảnh tại Hội chợ triển lãm thương mại kỹ thuật số toàn cầu lần thứ hai ở Hàng Châu, Trung Quốc hồi cuối tháng 11, với sự ra mắt nhiều sản phẩm và dịch vụ tiên phong, cùng hàng loạt giao dịch được ký kết, hàng chục diễn đàn và hội thảo về chủ đề kinh tế kỹ thuật số, thu hút khách tham quan từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ. Triển lãm cho thấy tốc độ phát triển thương mại kỹ thuật số đáng kinh ngạc của Trung Quốc, cũng như đóng góp của Bắc Kinh trong xây dựng nền kinh tế thế giới mở, giúp cải thiện quản trị kinh tế toàn cầu.
“Những giải pháp, sản phẩm công nghệ kỹ thuật số mà chúng tôi thấy trong triển lãm đều rất ấn tượng”, Marc Tarrago, giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực internet vạn vật (IoT) thốt lên trong lúc quan sát những thao tác nhịp nhàng của một robot phẫu thuật.
Một doanh nhân Tây Ban Nha cho biết, đây không phải là lần đầu tiên ông ngạc nhiên trước những nỗ lực và tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số: “Tôi đến Trung Quốc hai lần trong tháng này, đã thăm vài doanh nghiệp, một số khu công nghệ và được giới thiệu nhiều giải pháp thực sự hữu hiệu”. Vị doanh nhân nhắc tới giải pháp về năng lượng ở Vô Tích khiến ông “kinh ngạc” bởi nhờ nó, “bạn có thể thấy mức tiêu thụ điện theo thời gian thực ở tất cả các tỉnh. Ở châu Âu chúng tôi chưa có loại giải pháp này”.
Robot chơi piano tại Hội chợ triển lãm thương mại kỹ thuật số toàn cầu lần thứ hai ở Hàng Châu, Trung Quốc, ngày 24-11. Ảnh: Tân Hoa xã |
Mô hình “huấn luyện viên ngôn ngữ ảo” giúp điều chỉnh việc giảng dạy theo nhu cầu cá nhân, kính MR giúp tạo ra trải nghiệm mua sắm ảo phong phú, công nghệ tăng áp giúp sạc đầy pin xe điện trong 30 phút... chỉ vài nét phác qua các sản phẩm đã có thể cung cấp cái nhìn tổng quan về kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc, với quy mô lớn thứ hai thế giới.
Theo báo cáo phát triển thương mại kỹ thuật số của Trung Quốc công bố tại triển lãm, năm 2022, giá trị thương mại dịch vụ kỹ thuật số của nước này tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 372,71 tỷ USD, trong khi quy mô xuất, nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới đạt khoảng 296,3 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, Trung Quốc xếp thứ 11 trong Chỉ số đổi mới toàn cầu do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố, tăng 23 bậc so với năm 2012. Thị trường AI của Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt quá 26 tỷ USD vào năm 2026.
Tính đến tháng 10, Trung Quốc đã thiết lập cơ chế hợp tác thương mại điện tử song phương với 30 quốc gia trên thế giới, ký biên bản ghi nhớ với 20 quốc gia nhằm tăng cường hợp tác phát triển Con đường tơ lụa kỹ thuật số. Bắc Kinh tích cực thực hiện những biện pháp thúc đẩy mở cửa ở cấp độ cao hơn trong thương mại kỹ thuật số, giúp cải thiện quản trị kinh tế toàn cầu thông qua việc tham gia và khởi xướng các cuộc đối thoại về tiêu chuẩn, chính sách, quy định và đạo đức trong lĩnh vực này.
Theo Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann, hệ thống thương mại toàn cầu đang đối mặt với áp lực to lớn và phải thích ứng với những phát triển mới của nền kinh tế thế giới, nơi số hóa đã trở thành động lực mạnh mẽ cho thương mại. “Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp giải quyết áp lực đó”, ông Mathias Cormann cho hay.
HÀ PHƯƠNG