Nhân tố quan trọng nhìn từ cuộc xung đột ở Trung Đông

Người nắm giữ chìa khóa của cuộc khủng hoảng con tin trong xung đột ở dải Gaza không ai khác là Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani.

Đó là nhận định của tạp chí Foreign Policy. Kể từ khi lên nắm quyền 10 năm trước, Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani, năm nay 43 tuổi, dường như đã quyết tâm định vị quốc gia nhỏ bé này-một trong những nước giàu nhất thế giới, có trữ lượng khí đốt lớn thứ ba và thu nhập bình quân đầu người cao thứ sáu thế giới-là một “tay chơi” quan trọng trên sân chơi địa chính trị toàn cầu. 

Cuộc xung đột Israel-Hamas đã trao cho Quốc vương Qatar cơ hội trở thành gương mặt nổi bật trong số các nhà lãnh đạo của thế giới Arab. Trên thực tế, thông qua vai trò trung gian của Qatar, bước đầu đã có 4 trong số hơn 200 con tin bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel ngày 7-10 được trả tự do. Các cuộc đàm phán bí mật vẫn đang tiếp diễn, thắp lên hy vọng nhiều con tin khác có thể được Hamas trả tự do để đổi lại việc Israel ngừng bắn trong một khoảng thời gian, tạo điều kiện triển khai hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế tại dải Gaza.

Cũng chính Qatar đã trung gian thành công một thỏa thuận cho phép sơ tán có giới hạn những công dân mang hộ chiếu nước ngoài và một số người bị thương nặng rời khỏi Gaza qua cửa khẩu Rafah với Ai Cập.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani tại một cuộc gặp ở Lusail (Qatar), ngày 13-10. Ảnh: REUTERS 

“Qatar đang trở thành một đối tác quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các giải pháp nhân đạo... Những nỗ lực ngoại giao của Qatar rất quan trọng vào thời điểm này”, Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Tzachi Hanegbi viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter). 

Còn theo Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby: “Qatar có đường dây liên lạc với Hamas mà hầu như không nước nào khác có được”.

Tờ USA Today cho hay, đây không phải lần đầu tiên Qatar thành công trong vai trò nhà trung gian hòa giải quốc tế. Hồi tháng 9, Qatar làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Washington và Tehran, dẫn đến việc trả tự do cho 5 công dân Mỹ bị Iran buộc tội gián điệp. Qatar cũng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban mà đỉnh điểm là thỏa thuận hòa bình tại Doha năm 2020, dẫn đến việc Mỹ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan năm 2021. Các nỗ lực hòa giải đang diễn ra ở Lebanon, Libya, Chad, Venezuela và Palestine cũng góp phần định vị vai trò nhà trung gian hòa giải quốc tế của Qatar.

Lợi thế nào giúp quốc gia Arab nhỏ bé này nổi lên như một nhân tố ngoại giao quốc tế quan trọng? Foreign Policy dẫn lời Jonathan Panikoff, chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông của một tổ chức phi chính phủ tại Washington: “Qatar là chính phủ duy nhất có đủ năng lực, được cả Hamas lẫn Israel đánh giá cao và sẵn sàng hợp tác về các vấn đề nhân đạo”.

Tại thời điểm này, Qatar là quốc gia duy nhất duy trì được mối quan hệ dung hòa với các bên đối địch, khi mà nơi đây có văn phòng thương mại của Israel, nơi Mỹ đặt căn cứ không quân Al Udeid với hàng nghìn binh sĩ, cũng là nơi có văn phòng đại diện của cả Hamas và Taliban.

Lâu nay, Doha vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia phương Tây, trở thành nhà cung cấp năng lượng quan trọng và là khách hàng mua vũ khí lớn từ Mỹ. Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Joe Biden chính thức tuyên bố Qatar là đồng minh lớn ngoài NATO của Washington.

Còn Hội đồng Trung Đông về các vấn đề toàn cầu nhận định, hòa giải từ lâu đã là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Qatar-một chiến lược quan trọng giúp quốc gia giàu có này giành được uy tín trên trường quốc tế, đồng thời phòng ngừa rủi ro và duy trì mối quan hệ với nhiều chủ thể khác biệt. Doha đã trở nên không thể thiếu đối với Washington trong tư cách là cầu nối giữa nhiều quốc gia và các phe phái, lực lượng.

Tags: Trung Đông