4 xét nghiệm phụ nữ trên 20 tuổi nên làm để bảo vệ tim mạch

Phụ nữ nên bắt đầu theo dõi tim mạch định kỳ ngay từ năm 20 tuổi để giảm thiểu rủi ro về sức khỏe trong tương lai.

4 xét nghiệm phụ nữ trên 20 tuổi nên làm để bảo vệ tim mạch

Phát hiện sớm các nguy cơ tim mạch ở phụ nữ có thể cải thiện đáng kể kết quả điều trị và phòng bệnh hiệu quả. Ảnh - AI: Thiện Nhân

Theo các bác sĩ, việc phát hiện sớm các nguy cơ tim mạch ở phụ nữ có thể cải thiện đáng kể kết quả điều trị và phòng bệnh hiệu quả hơn.

Dưới đây là 4 xét nghiệm chính mà mọi phụ nữ trên độ tuổi 20 nên thực hiện:

1. Theo dõi huyết áp

Theo Tiến sĩ Mukesh Goel, bác sĩ phẫu thuật tim mạch và ghép tim phổi tại Bệnh viện Indraprastha Apollo, New Delhi (Ấn Độ), huyết áp cao, hay tăng huyết áp, là một yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim và đột quỵ, nhưng thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi xảy ra tổn thương đáng kể.

Do đó, phụ nữ nên kiểm tra huyết áp thường xuyên ngay từ năm 20 tuổi. Nếu kết quả bình thường, nên xét nghiệm hàng năm. Tuy nhiên, cần theo dõi thường xuyên hơn đối với những người bị huyết áp cao hoặc các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như tiền sử gia đình bị tăng huyết áp.

Huyết áp cao không được kiểm soát có thể dẫn đến suy tim, tổn thương thận và đột quỵ, do đó việc giữ huyết áp ở mức khỏe mạnh (dưới 120/80 mmHg) là rất quan trọng.

2. Theo dõi chỉ số Cholesterol (Lipid)

Tiến sĩ Deepankar Vatsa - bác sĩ tim mạch (Bệnh viện Yatharth, Ấn Độ) - cho biết, cholesterol cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch và việc quản lý sớm thông qua thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc có thể ngăn ngừa biến chứng.

Theo dõi mức cholesterol giúp đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim, vì mức LDL (cholesterol xấu) cao có thể dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

“Nên bắt đầu sàng lọc cholesterol ở độ tuổi 20 đối với phụ nữ có các yếu tố nguy cơ như béo phì hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tim. Nếu không có yếu tố nguy cơ, có thể bắt đầu xét nghiệm ở độ tuổi 45 và nên lặp lại sau mỗi 4-6 năm nếu kết quả nằm trong phạm vi bình thường”, Tiến sĩ Deepankar Vatsa nói.

3. Xét nghiệm đường huyết hoặc HbA1c

Lượng đường trong máu tăng cao, ngay cả ở mức tiền tiểu đường, cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Phát hiện sớm sẽ giúp can thiệp thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục và có thể là dùng thuốc.

Nếu có các yếu tố nguy cơ như béo phì hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, việc sàng lọc bệnh tiểu đường hoặc kháng insulin thông qua đường huyết lúc đói hoặc xét nghiệm HbA1c nên bắt đầu ở độ tuổi 20.

Trong trường hợp không có các yếu tố nguy cơ, việc sàng lọc nên được thực hiện ba năm một lần, với các xét nghiệm hàng năm được khuyến cáo cho những người có nguy cơ cao hơn.

4. Đo chỉ số khối cơ thể (BMI)

Chỉ số khối cơ thể (BMI) là phép tính đơn giản sử dụng chiều cao và cân nặng để đánh giá xem một người có nằm trong phạm vi cân nặng khỏe mạnh hay không.

Tiến sĩ Deepankar Vatsa lưu ý, béo phì là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim, góp phần gây tăng huyết áp, cholesterol cao và tiểu đường.

Theo dõi BMI thường xuyên bắt đầu từ năm 20 tuổi sẽ giúp hiểu rõ hơn liệu một người phụ nữ có nguy cơ mắc các bệnh tim liên quan đến béo phì hay không.

Lượt xem: 4
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...