Chương Mỹ nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm cho người dân
Thời gian qua, cùng với thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, huyện Chương Mỹ đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về Luật An toàn thực...
Theo Phó Trưởng phòng Y tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc, hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng số 3.847 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 3 siêu thị và 23 chợ truyền thống. Trong đó, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực công thương là 1.448; 1.065 cơ sở thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 1.319 cơ sở thuộc lĩnh vực y tế. Xác định công tác an toàn thực phẩm có vai trò quan trọng bảo đảm sức khỏe cho người dân, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, từ đầu năm đến nay, huyện chỉ đạo các đơn vị, 32/32 xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định về an toàn thực phẩm với nhiều hình thức. Qua đó, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng; tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về an toàn thực phẩm, đặc biệt trong các dịp cao điểm, lễ hội tập trung đông người.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các đơn vị: Phòng Y tế, Phòng Kinh tế phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và các xã, thị trấn thường xuyên rà soát, nắm bắt, cập nhật kịp thời thông tin phục vụ quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Qua công tác tuyên truyền, vận động, các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn kiến thức cho người dân, hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cộng đồng trong việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn, góp phần đưa tỷ lệ cơ sở không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm qua kiểm tra giảm dần. Tình hình lưu thông hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc cũng có xu hướng giảm so với những năm trước. Người tiêu dùng có ý thức hơn trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện còn khó khăn do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn nhưng đa số còn nhỏ lẻ, phân tán, biến động; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ do kinh tế suy thoái... gây khó khăn cho công tác quản lý; nhân lực tại huyện và các xã, thị trấn được phân công theo dõi về an toàn thực phẩm đa số kiêm nhiệm; thiếu cán bộ chuyên trách, chuyên môn phù hợp, luôn thay đổi vị trí công tác.
Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, từ nay đến cuối năm, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong đó, chú trọng Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm liên quan nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về an toàn thực phẩm trong cộng đồng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong thực hiện quy định về an toàn thực phẩm. Mặt khác, huyện nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nhận thức tầm quan trọng của việc thực hiện quy định về vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân, kiến thức, sức khỏe của người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm.