Chăm lo người dân từ các mô hình

Để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, từ tháng 10-2019, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam quận 1, TP Hồ Chí Minh triển khai mô hình “Ngày cùng hành động vì người nghèo quận 1” nhằm phát huy sức mạnh chung tay của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm.

Tùy điều kiện cụ thể, cấp quận, phường sẽ tăng số lượng tổ chức ngày cùng hành động phù hợp thực tế. Nguồn lực từ mô hình này được Ủy ban MTTQ Việt Nam-Ban vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” của 10 phường thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em mồ côi, người yếu thế... Năm 2023 vừa qua, quận tổ chức được 138 lượt “Ngày cùng hành động vì người nghèo quận 1”, chăm lo hơn 40.400 lượt hộ dân với kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng.

Trao quà tặng hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong thực hiện mô hình “Ngày cùng hành động vì người nghèo quận 1”. 

Chia sẻ về hiệu quả của mô hình, đồng chí Dương Thị Hồng Gấm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 1 cho biết: “Mô hình này là một trong những giải pháp sáng tạo góp phần tuyên truyền, vận động nguồn lực để chăm lo những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, động viên các hộ ổn định cuộc sống, từng bước nâng cao thu nhập. Đầu giai đoạn 2021-2025, toàn quận có hơn 900 hộ nghèo, từ hiệu quả mô hình, đến nay đã giúp 30% hộ nghèo vươn lên thoát nghèo”.

Mô hình ngày hội “Nghĩa tình quận 5” cũng mang lại hiệu quả thiết thực khi tạo được nguồn lực chăm lo thường xuyên và đột xuất đối với những trường hợp hoàn cảnh khó khăn. Khi mới triển khai, ngày hội nhằm mục tiêu chăm lo người dân vào dịp Tết nhưng hiện nay đã phát triển, nhân rộng thành phong trào chung của toàn quận. Theo đồng chí Lê Tấn Tài, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 5, ngày hội “Nghĩa tình quận 5” là minh chứng rõ nét trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn quận. Hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức ngày hội và triển khai chu đáo, chặt chẽ, chú trọng công tác rà soát, tổng hợp danh sách các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, tránh chăm lo trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng. Thành công của ngày hội không chỉ dừng lại việc chăm lo người dân mà còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong chung tay thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.

Với phương châm “lấy sức dân chăm lo cho dân” và phát huy tinh thần tương thân tương ái, hệ thống MTTQ các cấp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị đồng hành triển khai nhiều mô hình, cách làm mới để vận động nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều mô hình được các cấp duy trì hiệu quả như: “Đi bộ đồng hành vì người nghèo”, “Cựu chiến binh giúp nhau thoát nghèo, làm kinh tế giỏi”, “Phiên chợ 0 đồng”, tổ trợ giúp người nghèo, tổ chức dạy nghề miễn phí... Đầu giai đoạn 2021-2025, thành phố có 1,49% dân số là hộ nghèo. Thông qua nhiều giải pháp hỗ trợ từ chính sách của thành phố, sự chung tay của hệ thống MTTQ các cấp, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đã được kéo giảm chỉ còn gần 0,4% dân số. 

Điểm sáng tạo trong thời gian qua của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh là chủ trì phối hợp các đơn vị ra mắt Quỹ An sinh xã hội TP Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ nhóm người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn mà các chính sách hỗ trợ khác chưa bao phủ tới. Ra mắt từ tháng 11-2023, mô hình quỹ an sinh xã hội có tính đặc thù cho địa phương có biên độ mở như TP Hồ Chí Minh và cũng là dấu ấn thể hiện tính nhân văn, nghĩa tình của thành phố dành cho người nhập cư, lao động phi chính thức. 

Theo đồng chí Nguyễn Thành Trung, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, hệ thống MTTQ các cấp đã chủ trì hiệp thương, phối hợp với các ngành phát huy hiệu quả Phong trào “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhận được sự quan tâm hưởng ứng của toàn xã hội. Phương thức vận động, giúp đỡ của hệ thống MTTQ các cấp tiếp tục có nhiều đổi mới, triển khai đa dạng, phù hợp theo nhu cầu của đối tượng cần hỗ trợ. 

Bài và ảnh: LÊ TRẦN

Lượt xem: 2
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...