Apple Pay và tham vọng biến iPhone thành một chiếc ví điện tử
Việc biến iPhone trở thành một chiếc ví điện tử lâu hơn dự tính của Apple, nhưng sự kiên nhẫn bất thường của họ đã đem lại hiệu quả.
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), kiên nhẫn không phải là đức tính phổ biến tại Thung lũng Silicon khi các hãng công nghệ thường phải thay đối chóng mặt, phá vỡ các giới hạn để vươn lên.
Bởi vậy khi Apple Pay được giới thiệu vào năm 2014, ai cũng nghĩ rằng mảng thanh toán điện tử này của hãng sẽ chết non khi kết quả kinh doanh không được khả quan trong vài năm đầu. Thế nhưng với tầm ảnh hưởng và sự kiên trì của mình, Apple đã chứng minh cho cả thế giới thấy một lần nữa họ đã đúng.
Tỷ lệ sử dụng Apple Pay trên iPhone trong năm 2016 chỉ là 10% thì đến năm 2020 đã lên đến 50% và hiện nay vào khoảng 75%.
Vậy điều gì đã làm nên thành công này?
Khác với những dòng sản phẩm mới thường gây tiếng vang ngay khi ra đời của Apple, dịch vụ Apple Pay lúc mới ra đời không thu hút được hứng thú của người dùng khi dịch vụ thẻ vẫn phổ biến. Tỷ lệ chấp nhận thanh toán trực tuyến của người Mỹ tại thời điểm đó chỉ vào khoảng 3% trong khi con số này hiện lên đến 90%.
Theo WSJ, Apple đã tốn khá nhiều thời gian để người tiêu dung quen với Apple Pay cũng như chấp nhận nó. Đây là một điều không dễ dàng khi Apple đã từng hủy bỏ HomePod chỉ 3 năm sau khi sản phẩm ra mắt, đồng thời cũng mạnh dạn từ bỏ iPod dù sản phẩm này gây được tiếng vang cho nhà táo khuyết.
Với sự nổi tiếng của iPhone, nhà táo khuyết ban đầu xây dựng Apple Pay là để hoàn thiện cho sản phẩm của mình. Mức phí mà Apple thu được qua ngân hàng với Apple Pay chỉ chiếm chưa đến 1% tổng doanh thu nhưng chúng lại khiến iPhone hoàn thiện hơn trong mắt người dùng khi có thể trở thành ví điện tử.
Tuy nhiên với sự phát triển của mình, Apple giờ đây có thể mở rộng lợi nhuận với Apple Pay khi đã có tệp khách hàng vô cùng lớn. Xin được nhắc là những dịch vụ như thanh toán quẹt thẻ chiếm đến 20% tổng giao dịch trực tiếp của Visa tại Mỹ. Con số này lên đến 45% tại các thành phố lớn như New York và Apple Pay hoàn toàn có thể chiếm lĩnh mảng này.
Theo khảo sát của Piper Sandler, Apple Pay hiện đang là dịch vụ thanh toán trực tuyến được ưa thích nhất của giới trẻ Mỹ.
Chẳng vậy mà CEO Tim Cook đã từng tự tin tuyên bố Apple Pay có thể "giết chết" sự tồn tại của tiền mặt trong lưu thông.
iPhone kiêm...bằng lái xe
Với doanh thu tăng gấp đôi trong năm 2019, Apple Pay đã thực sự trở thành một trong những mảng phát triển chủ chốt của nhà táo khuyết. Cũng trong năm này, Apple đã cộng tác với Goldman Sachs để phát triển Apple Cards, sau đó phát triển chương trình mua trước trả sau trong năm 2022.
Đại dịch Covid-19 khiến ngày càng nhiều người giao dịch trực tuyến và Apple Pay đang nhanh chóng trở thành một trong những mảng sẽ kiếm về lợi nhuận lớn cho Apple. Tình hình phát triển đến nỗi các cơ quan chức năng tại Châu Âu đã cáo buộc Apple dùng vị thế của mình để thiên vị Apple Pay thay vì những ứng dụng thanh toán khác.
Việc Apple phát triển mảng phần mềm như Apple Pay cũng dễ hiểu khi tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận từ bán phần cứng như iPhone đang giảm tốc dần. Người tiêu dùng ngày càng có ít nguyên nhân để nâng cấp điện thoại khi các đời iPhone sau này không có sự vượt trội hay tạo nên hào hứng quá lớn so với dùng cũ. Có chăng chỉ là hình ảnh hào nhoáng thương hiệu tại một số thị trường.
Quay trở lại vấn đề, Apple không chỉ muốn biến iPhone thành ví điện tử mà còn muốn bao gồm cả bằng lái xe hay thẻ bảo hiểm. Tuy nhiên chặng đường này sẽ còn rất dài, thậm chí tiêu tốn hàng chục năm với lượng vốn khổng lồ.
Khảo sát của Bain cho thấy giới trẻ hiện nay thà bỏ quên ví ở nhà hơn là quên điện thoại và chẳng sớm thì muộn, Apple cũng sẽ trở thành người chơi lớn trong mảng ví điện tử cũng như biến iPhone của họ thành một sản phẩm tích hợp nhiều chức năng như họ muốn, dù thời gian có dài đi chăng nữa.
Theo WSJ, câu chuyện thành công của Apple Pay có thể sẽ rất khác trong 8 năm nữa khi thanh toán trực tuyến ngày càng phổ biến và Apple có thể chờ tiếp khi họ có nguồn lực tài chính dồi dào và vị thế thương hiệu nổi tiếng.
*Nguồn: WSJ