Zalo thu phí: VNG đang nghe ngóng phản ứng người dùng?

Các chuyên gia nhận định, với thói quen sử dụng miễn phí nhiều năm nay, nếu Zalo thu phí sẽ có cuộc dịch chuyển người dùng sang các ứng dụng miễn phí khác.

VNG đang nghe ngóng phản ứng người dùng?

Báo Lao Động mới có bài viết: Zalo thu phí, người dùng nói sẽ xóa app, chuyển ứng dụng mới, phản ánh việc, bắt đầu từ ngày 1.8.2022, ứng dụng này sẽ bắt đầu hạn chế một số tính năng của người dùng phổ thông. Để có thể sử dụng "thoải mái", người dùng cần phải mua 1 trong 3 gói trả phí gồm Standard (2800 đồng/ngày), Pro (5.500 đồng/ngày) và Elite (55.000 đồng/ngày).

Động thái này của zalo gây tranh cãi lớn. Nhiều ý kiến cho rằng dù vẫn có nhóm khách hàng ủng hộ thu phí và sẵn sàng trả tiền thuê bao tháng, nhưng đa phần người dùng phản đối gay gắt vấn đề này. Không ít người dùng cho biết sẵn sàng xoá app, tải ứng dụng mới thay thế.

Người Việt liên lạc với bạn bè, gia đình, đối tác qua Zalo. Các hội nhóm trao đổi thông tin, duy trì quan hệ, kết nối làm ăn cũng được lập trên Zalo. Ứng dụng cũng là phương tiện để gửi ảnh, video, tài liệu hữu ích với người dùng.

Thực tế, khi cộng đồng lớn đều sử dụng, việc gỡ app, nói không với Zalo của người dùng để phản đối chính sách thu phí của hãng chắc chắn là quyết định không dễ dàng.

Số liệu vào tháng 2.2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, Zalo hiện là nền tảng tin nhắn miễn phí có lượng người dùng thường xuyên lớn nhất Việt Nam với 74,7 triệu. Zalo chính thức giữ ngôi đầu bảng vào năm 2021 khi chuyển đi 620 tỷ tin nhắn, 52 tỷ phút gọi video và 14 tỷ thông báo khẩn về COVID-19.

Các gói dịch vụ trả phí do Zalo cung cấp tới. Ảnh: Chụp màn hình.

Các gói dịch vụ trả phí do Zalo cung cấp tới. Ảnh: Chụp màn hình.

Giới chuyên môn cho rằng VNG (công ty mẹ của zalo) đang "nghe ngóng" phản ứng của người dùng với thông tin Zalo có thể thu phí để tính toán cho những bước đi tiếp theo thời gian tới. Từ đó, công ty có thể điều chỉnh lại những quy định, thời gian áp dụng để người dùng dần chấp nhận việc thu phí, không gây ra làn sóng phản đối quá dữ dội.

Tuy vậy, thu phí người dùng vốn quen với việc sử dụng miễn phí là vấn đề rất nhạy cảm. Zalo có thể đối diện cuộc khủng hoảng nếu làm "mất lòng" các khách hàng. Trong quá khứ, Zalo từng gặp không ít sự cố lớn như mất dữ liệu người dùng quy mô lớn hay dừng hoạt động trong thời gian dài. Khi thu tiền của người dùng, những vấn đề của Zalo chắc chắn không dễ được "tha thứ" như trước.

Ở chiều ngược lại, sau 10 năm đầu tư vào Zalo, ứng dụng tin nhắn này cùng với mảng thanh toán (ZaloPay), thương mại điện tử (Tiki) là 3 "cỗ máy tiêu tiền" của VNG. Vì thế, áp lực kiếm tiền với Zalo là hiện hữu. Do vậy, việc Zalo có bước sang giai đoạn khai thác mới để tạo ra doanh thu là hoàn toàn có thể xảy ra.

Sẽ có sự dịch chuyển người dùng

Hiện tại, các ứng dụng tin nhắn đối thủ của Zalo vẫn đang cho người dùng sử dụng miễn phí. Vì vậy, theo các chuyên gia, khi zalo thu phí, nhiều khả năng sẽ diễn ra sự dịch chuyển người dùng sang các ứng dụng khác.

"Với thói quen sử dụng miễn phí nhiều năm nay, nếu Zalo thu phí sẽ có cuộc dịch chuyển người dùng sang các ứng dụng miễn phí khác", chuyên gia viễn thông Nguyễn Ngọc Minh bình luận.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng lượng dữ liệu trung bình mỗi người dùng Việt Nam tạo ra, trao đổi hàng tháng với nhau trên Zalo và Mocha (của Viettel) xấp xỉ 591 MB, chiếm 58,84% toàn thị trường, nhiều hơn 1,43 lần so với tổng lượng dữ liệu trao đổi trên Top 3 nền tảng nước ngoài phổ biến ở Việt Nam (Messenger, Viber và Telegram là 413,3 MB, chiếm 41,16%).

Lượng người dùng sẽ có sự dịch chuyển sang các ứng dụng khác khi zalo thu phí.

Lượng người dùng sẽ có sự dịch chuyển sang các ứng dụng khác khi zalo thu phí. Ảnh: PV.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thì cho rằng, với 74,7 triệu người dùng thường xuyên, có thể thấy rằng, Zalo đã đủ lớn để đi nước cờ thu phí.

"Hiện người dùng Zalo chia làm nhiều nhóm khách hàng. Nhóm khách hàng là các chủ shop, cửa hàng nhỏ, buôn bán online có nhu cầu sử dụng Zalo để giao dịch, bán hàng có thể chấp nhận trả một khoản phí hợp lý để không mất đi lượng khách hàng hiện hữu. Nhóm còn lại là học sinh, sinh viên, người già với nhu cầu liên lạc, trao đổi thông tin bình thường có thể không chấp nhận trả phí, mà sẽ chuyển sang dùng các ứng dụng miễn phí khác", ông Nguyễn Ngọc Dũng phân tích.

Lượt xem: 67
Tác giả: Vân Trường
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...