Yêu khúc hát chèo quê hương

Phải đam mê hát chèo lắm thì cô Phạm Thị Hồng Vân (trú tại phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) mới lặn lội từ miền Trung ra miền Bắc tham gia chương trình giao lưu với Câu lạc bộ hát chèo và dân ca Long Biên (Hà Nội).

Xa xôi là vậy nhưng cô là một trong số ít người có mặt sớm nhất. Cô Vân chia sẻ: “Người xưa bảo rằng “Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem”. Mình cũng vậy, chỉ nghe tiếng trống thôi đã thấy trong người rộn ràng hứng khởi hẳn lên. Dẫu có phải đi xa đến mấy mà mình được giao lưu, gặp gỡ bạn yêu hát chèo ở khắp các câu lạc bộ là vui nhất rồi”.

       Cô Phạm Thị Hồng Vân biểu diễn trong một chương trình giao lưu hát chèo.

Trên sân khấu lấp lánh ánh đèn, cô Hồng Vân cùng bạn hát thể hiện khúc ca “Vầng trăng Trường Sa” theo điệu “quân tử vu dịch”. Lời ca say đắm ngọt ngào. Ở tuổi lục tuần mà câu hát khi thì mượt mà tình tứ, lúc lại vút cao bay bổng. Đã vậy, cô lại khéo diễn. Áo thắm đai xanh, khăn vấn tròn vành, tôn khuôn mặt rạng ngời như vầng trăng trong câu hát. Cứ nhìn cách thể hiện đủ biết cô chăm chút, say sưa với câu hát đến nhường nào.

Tình yêu câu hát quê hương đã nhen nhóm từ thuở ấu thơ. Hưng Yên là chiếu chèo xứ Đông nơi cô bé Hồng Vân chào đời. Khúc hát dân ca nuôi dưỡng tâm hồn thơ bé. Hồng Vân thích nhất là những tối được xem hát chèo sân đình. Những câu hát mộc mạc của bà con nghe sao say đắm.

Thế rồi mỗi khi có đoàn chèo của tỉnh về biểu diễn, cô gái háo hức đứng xem các nghệ sĩ diễn các trích đoạn chèo, miệng nhẩm theo những làn điệu thân thuộc. Yêu tiếng hát quê hương là vậy nhưng đến năm học lớp 8, Hồng Vân phải theo gia đình vào Đà Nẵng sinh sống. Ở đó không có phong trào hát chèo, nhớ câu hát, Hồng Vân chỉ nhẩn nha tự hát một mình. May sao cô có thêm chiếc đài bầu bạn khi nghe chương trình dân ca và nhạc cổ truyền. Tình yêu chèo cứ thế được nuôi dưỡng như mạch ngầm chảy trong tâm hồn cô gái.

Sau này có điều kiện, cô Vân đã kết nối với những người trong hội đồng hương tỉnh Hưng Yên, tỉnh Thái Bình để sinh hoạt văn nghệ. Đặc biệt khi mạng xã hội phát triển, cô thành lập Câu lạc bộ hát chèo Hải Vân hoạt động trực tuyến trên Facebook. Hằng ngày từ 20 giờ đến 21 giờ là “khung giờ vàng” để hội viên lên sóng thể hiện hát chèo. Lần lượt hội viên đăng ký danh sách thông qua quản trị viên để chủ nhiệm câu lạc bộ sắp xếp lịch và duyệt lên sóng.

Theo danh sách thông báo, mỗi tối sẽ có một hội viên trình diễn trong “khung giờ vàng”, các thành viên còn lại theo dõi cổ vũ. Do hoạt động trên mạng xã hội nên số lượng hội viên tăng nhanh, đến nay đã có hơn 1.000 người tham gia. Với tinh thần kết nối bốn phương, câu lạc bộ trở thành điểm hẹn cho những người yêu chèo và dân ca. Là chủ nhiệm câu lạc bộ, cô Hồng Vân đăng ký sắp xếp lịch từ danh sách do các quản trị viên gửi đến, kiểm duyệt nội dung chặt chẽ để mỗi chương trình bảo đảm chất lượng, đúng tiêu chí đề ra.

Ngoài hoạt động trực tuyến, cô Hồng Vân còn tổ chức cho các thành viên tham gia giao lưu với các câu lạc bộ hát chèo và dân ca trên toàn quốc. Cô tâm sự: “Câu hát chèo đã gắn kết chúng tôi ở khắp mọi miền xích lại gần nhau. Mỗi khi có dịp gặp gỡ giao lưu, mọi người được hòa mình trong không gian truyền thống với tiếng trống, cung đàn, câu hát, cũng từ đó niềm vui được nhân lên. Chúng tôi mong sao tiếng hát chèo tiếp tục được nhiều thế hệ yêu mến, cùng chung sức gìn giữ âm nhạc truyền thống đặc sắc của dân tộc ta”.

Bài và ảnh: THƯ NGỌC

Tags: hát chèo
Lượt xem: 43
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết