Quảng bá du lịch, di sản văn hóa Ninh Bình trên công nghệ số
Ninh Bình được biết đến là mảnh đất có nhiều thắng cảnh hùng vĩ, nơi có Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An với nhiều giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất, địa mạo. Để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đã được các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng chú trọng. Qua đó góp phần gìn giữ và quảng bá rộng rãi những giá trị của di sản đến với đông đảo bạn bè trong và ngoài nước.
Trầm tích Cố đô Hoa Lư sống động trên công nghệ 3D
Với nhiều hoạt động hấp dẫn trong Festival Ninh Bình lần thứ III, năm 2024 chủ đề “Dòng chảy di sản” diễn ra tại TP Ninh Bình và Hoa Lư từ ngày 22 đến 30-11 đã thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế đổ về Ninh Bình. 6 người trong gia đình chị Mai Thu Oanh ở TP Hải Phòng đến du lịch Ninh Bình từ sáng 23-11, lưu trú tại một homestay trong xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư và ở qua tối 24-11 để xem chương trình nghệ thuật khai mạc Festival được truyền thông quảng bá rầm rộ thời gian qua.
Chị Oanh cho biết, để tìm điểm lưu trú và các hoạt động được Ninh Bình tổ chức phục vụ khách du lịch hiện nay khá đơn giản. Chỉ cần vài cú nhấp chuột trên màn hình máy tính hoặc điện thoại thông minh đã có thể tìm hiểu và đặt dịch vụ, giá cả cũng rất cụ thể để gia đình lựa chọn. Từng đến tham quan Di tích Cố đô Hoa Lư cách đây gần 10 năm, lần này trở lại với những thay đổi nhanh chóng khiến chị Oanh và nhiều người trong gia đình bất ngờ. Đứng trước cửa đền Vua Đinh Tiên Hoàng, gia đình chị Oanh và nhiều du khách khác được hướng dẫn viên di tích hướng dẫn quét mã QR code. Câu chuyện lịch sử dẹp yên các sứ quân, chấm dứt cuộc “nội loạn” ở giữa thế kỷ 10, thu non sông về một mối vào cuối năm 967 cùng những trầm tích cũng như hình ảnh tư liệu, hiện vật gắn với vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời kỳ Bắc thuộc... hiện lên trên màn hình điện thoại giúp các thành viên của gia đình chị Oanh dễ dàng trải nghiệm trong Khu di tích Cố đô Hoa Lư cổ kính.
Du khách tham quan tại đền Vua Lê Đại Hành trong quần thể di tích Cố đô Hoa Lư. |
Hỗ trợ người dân và du khách tìm hiểu các thông tin nhờ hệ thống QR code, thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử và văn hóa Cố đô Hoa Lư đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để tăng sức hấp dẫn, chân thực trong quá trình thuyết minh như phối cảnh 3D sử dụng thủ pháp ánh sáng, trình chiếu công nghệ mapping trên sa bàn, trình chiếu media trên tường tại không gian nhà trưng bày hiện vật. Qua đó thu hút rất đông du khách, nhất là học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu.
Bà Lê Thị Bích Thục, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử và văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết, Trung tâm đang bảo quản, lưu giữ khoảng 1.000 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý giá như: 50 bản sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam, 5 bảo vật quốc gia... Nhiều hiện vật quý được bảo quản cẩn trọng trong kho lưu trữ và ít khi được trưng bày phục vụ du khách tham quan. Thực hiện chương trình số hóa di sản, thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo quản và giới thiệu di tích, nhờ đó giúp công tác bảo quản hiện vật được khoa học, bài bản hơn; đồng thời giúp du khách dễ dàng tiếp cận, hình dung và tìm hiểu các giá trị độc đáo của di sản.
Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh
hỉ với chiếc điện thoại thông minh và thực hiện một thao tác đơn giản, mọi thông tin về hành trình tham quan các khu di tích lịch sử văn hóa của Cố đô Hoa Lư, du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc-Bích động được hiển thị, có thuyết minh bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp...
Trong kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch Ninh Bình hướng đến mục tiêu năm 2025 phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Ninh Bình, Sở Du lịch tỉnh cho biết, có thể kể đến như ứng dụng NinhBinhTourismInfo được đưa vào sử dụng cho thấy những hiệu quả tích cực. Ứng dụng này được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại, độ bảo mật và tính thực tế cao. Thông qua một vài thao tác đơn giản, du khách có thể dễ dàng cài đặt ứng dụng từ app store hoặc google play, cập nhật đầy đủ thông tin về các điểm đến hấp dẫn, các lễ hội truyền thống; nhà hàng, khách sạn, đặt chỗ ăn, nghỉ; tìm kiếm thông tin địa điểm mua sắm, tham quan, giải trí, y tế, ATM, trụ sở công an, bưu điện tại Ninh Bình... Các đơn vị quản lý điểm tham quan, cung cấp dịch vụ, nhà hàng, khách sạn sẽ được thẩm định thông tin và cấp tài khoản sử dụng. Từ đây, bằng việc cập nhật nhanh chóng, đầy đủ, chính xác sản phẩm, dịch vụ của mình, các đơn vị không chỉ góp phần làm giàu dữ liệu, kết nối đồng bộ, liên thông, tạo nền tảng dữ liệu lớn, đáp ứng nhu cầu quản lý và tra cứu thông tin của người dùng mà còn thuận tiện trong việc marketing, đưa hình ảnh của mình đến đông đảo du khách.
Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng tích cực quảng bá văn hóa, du lịch trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, YouTube với tên gọi "Ấn tượng Ninh Bình", thu hút hàng nghìn lượt người theo dõi. Nội dung các bài đăng tập trung giới thiệu tiềm năng, vẻ đẹp của đất và người Cố đô cùng những giá trị độc đáo của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An. Sản phẩm này đang phát triển như hệ sinh thái, diễn đàn chung để thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến và du khách thuận tiện tương tác với nhau. “Sự đổi mới trong công tác truyền thông và chuyển đổi số trong quảng bá văn hóa, du lịch đã mang lại những con số ấn tượng cho Ninh Bình, tính đến tháng 10-2024, tỉnh đã đón hơn 386.000 lượt khách, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước”, ông Nguyễn Văn Minh cho hay.