Mở ra định hướng mới cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
Ngày 14/11, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Thông báo Khảo cổ học Toàn quốc lần thứ 59 năm 2024”. Đây là diễn đàn thường niên cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu khảo cổ học gặp gỡ, trao đổi thông tin, công bố những phát hiện mới; đồng thời thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Minh cho biết, các kết quả khai quật, nghiên cứu trong năm 2024 đã góp phần bổ sung tư liệu mới vào kho tàng tri thức, phục dựng các mảnh ghép còn thiếu trong lịch sử, thúc đẩy công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử dân tộc. Những phát hiện này không chỉ minh chứng cho lịch sử mà còn giúp hiểu rõ hơn về văn hóa, lối sống và sự tương tác giữa các cộng đồng cổ xưa.
Tiến sĩ Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học cho biết, từ sau Hội thảo lần thứ 58 tại Tam Chúc, Hà Nam, ngành khảo cổ học đã tiến hành nhiều cuộc thăm dò và khai quật trên cả nước, thu về nhiều kết quả nghiên cứu đa dạng và có giá trị lớn. Nổi bật là các khai quật tại di tích Mái Đá Ngườm (Thái Nguyên), Cồn Đất (Nghệ An), Vườn Chuối (Hà Nội), Gò Nần (Bà Rịa - Vũng Tàu), khu vực Chính Điện Kính Thiên (Hà Nội). Bên cạnh đó, khảo cổ học về văn hóa Óc Eo và khảo cổ học dưới nước cũng ghi nhận nhiều hoạt động điều tra, nghiên cứu tại Gia Viễn - Cát Tiên (Lâm Đồng), thương cảng Vân Đồn, vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi). Cũng theo Tiến sĩ Hà Văn Cẩn, điểm nổi bật trong hoạt động khảo cổ học gần đây là sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan trung ương và địa phương, thể hiện qua những dự án khai quật và bảo tồn di tích thành công tại nhiều địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Phó Giáo sư Bùi Văn Liêm, Hội thảo lần này ghi nhận 383 báo cáo với nhiều phát hiện quan trọng từ Tiền sử, Sơ sử và Nhà nước sớm, Lịch sử đến văn hóa Champa - Óc Eo và Khảo cổ học dưới nước, làm sáng tỏ quá trình hình thành và phát triển của các cộng đồng cư dân cổ trên lãnh thổ Việt Nam. Các di tích nổi bật như Thôn 7 và Thôn 8 (Đắk Nông), Mái Đá Ngườm (Thái Nguyên)... cung cấp bằng chứng về cư trú và chế tác công cụ đá sớm, trong khi nhiều di tích giá trị khác như Vườn Chuối (Hà Nội) và Thọ Sơn (Bình Phước) giúp tái hiện đời sống văn hóa thời Đông Sơn. Các cuộc khai quật lớn tại Thành Nhà Hồ, Đền thờ Nguyễn Văn Nghi (Thanh Hóa) và Chính Điện Kính Thiên (Hà Nội) tiếp tục bổ sung tư liệu về kiến trúc, văn hóa, đời sống từ thời Đinh - Tiền Lê đến Nguyễn. Nghiên cứu về văn hóa Champa và Óc Eo tại Thánh địa Mỹ Sơn, tháp Đại Hữu, Gia Viễn - Cát Tiên làm rõ vai trò của các đền tháp, đồng thời khẳng định giá trị văn hóa Óc Eo. Khảo cổ học dưới nước cũng ghi nhận các phát hiện tại thương cảng Vân Đồn, Bình Châu (Quảng Ngãi) và đảo Lý Sơn, làm sáng tỏ về mạng lưới thương mại biển Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Các đại biểu cho rằng, Hội thảo Thông báo Khảo cổ học Toàn quốc lần thứ 59 là minh chứng cho nỗ lực của các nhà khảo cổ học Việt Nam trong việc phát hiện và bảo tồn di sản, đồng thời mở ra định hướng mới cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.
Lý Thanh Hương