Gần 30 năm tạc rối giữ nghề ở Nam Định

Nam Định - Gần 30 năm làm nghề, ông Phan Văn Triển (47 tuổi, huyện Nam Trực) đã tạc hàng chục nghìn con rối nước phục vụ các phường múa rối từ Bắc vào Nam.

Gần 30 năm tạc rối giữ nghề ở Nam Định

Ông Phan Văn Triển sơn để làm nổi bật các chi tiết của con rối. Ảnh: Hà Vi

Lớn lên ở vùng quê là cái nôi của nghệ thuật múa rối nước miền Bắc, làng Rạch (hay còn gọi là Nam Chấn, thuộc thôn Bàn Thạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), ông Triển đã quá quen với hình ảnh những con rối nước.

Ngay từ nhỏ, ông đã tập quen với việc chế tạo con rối, lâu dần ông học và theo nghề đến tận bây giờ. Ông là một trong số ít những người trong thôn vừa biểu diễn múa rối, vừa trực tiếp chế tác các con rối.

Theo ông Triển, nghề tạc rối nước khác rất nhiều so với nghề tạc tượng đơn thuần. "Việc tạc rối nước không khó, nhưng cũng không dễ. Điều quan trọng là tùy vào từng con rối, người thợ cần làm ra hồn cốt riêng, mang đậm nét văn hóa dân gian của vùng miền. Mỗi con rối nước thường có thần thái tươi vui, hóm hỉnh, gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người lao động", ông Triển phân tích.

Gỗ dùng để làm con rối là loại gỗ nhẹ

Gỗ dùng để làm con rối là loại gỗ nhẹ như gỗ sung. Ảnh: Hà Vi

Nguyên liệu để tạc rối nước thường là gỗ sung. Đây là loại gỗ nhẹ, bền, ít thấm nước và có thể phơi khô nhanh. Từ kinh nghiệm cha ông truyền lại hàng trăm năm nay, sản phẩm rối hoàn chỉnh qua 3 công đoạn, gồm: điêu khắc, sơn và lắp máy. Khâu tạo hình trên gỗ (hay còn gọi là điêu khắc) là khâu khó và mang tính quyết định để làm ra một con rối nước.

Ông Triển chia sẻ thêm: "Với những con rối có hình dáng quen thuộc, tôi có thể làm rất nhanh. Còn với những hình tượng mang dấu ấn vùng miền, tôi cần tham khảo về đặc trưng riêng, thậm chí là đi thực tế để hình dung và phác họa, tạc lại. Con rối sau khi tạc thành hình sẽ được gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét, tính cách cho từng nhân vật. Tạc rối đã khó, để rối chuyển động linh hoạt lại còn khó hơn. Để làm được điều đó, người thợ phải tính toán chi tiết khi làm các bộ phận, khớp nối".

Trình diễn rối nước ở làng Rạch (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ảnh: Hà Vi

Trình diễn rối nước ở làng Rạch (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ảnh: Hà Vi

Ngoài việc phục vụ các phường múa rối, ông Triển còn nhận làm rối theo yêu cầu của khách. Đến nay, ông đã làm khoảng vài chục nghìn con. Thông thường một con rối có giá dao động từ 100.000 - 1.000.000 đồng, tùy kích thước.

Ông Triển tâm sự: "Ở làng Rạch bây giờ, chẳng còn mấy người vẫn làm nghề tạc rối. Tâm nguyện lớn nhất của bản thân tôi đang được thực hiện là làm một phường rối thu nhỏ. Sau này là nơi trình diễn, trưng bày, trải nghiệm chi tiết về rối nước cho du khách".

Lượt xem: 9
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...