Nghệ thuật múa rối Việt Nam chinh phục khán giả nước ngoài
Ra nước ngoài biểu diễn là cơ hội tốt để Nhà hát Múa rối Việt Nam giới thiệu những nét độc đáo của văn hóa dân tộc. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng những chuyến lưu diễn của Nhà hát năm qua vẫn thu về thành công nhiều mặt.
Mất mấy tháng đầu năm 2022 phải ở nhà vì đại dịch Covid-19 nên khi được mời tham gia Liên hoan Sziget (Hungary), liên hoan nghệ thuật lớn nhất châu Âu, vào tháng 8-2022, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Thế nhưng phát sinh ngay từ vấn đề di chuyển khi chúng tôi phải vận chuyển theo 1,8 tấn vật dụng biểu diễn. Nhiều công ty vận chuyển bị phá sản sau dịch. Có công ty nhận chuyển hàng nhưng cước phí tăng lên gấp 7 lần và kèm lời nhắn: “Không chắc chắn hàng được chuyển đến đúng ngày”. Nếu sân khấu thủy đình, đồ biểu diễn chưa đến khi liên hoan diễn ra rồi thì phải làm thế nào? Đây là cơ hội rất tốt để giới thiệu văn hóa Việt Nam với khán giả nước sở tại, với cộng đồng và đặc biệt là với thế hệ những người Việt Nam sinh ra ở nước ngoài. Cuối cùng, chúng tôi quyết định vận chuyển đồ biểu diễn bằng máy bay, dù cước phí rất lớn. Đáng mừng là Nhà hát Múa rối Việt Nam đã thành công trong liên hoan này.
Nhà hát Múa rối Việt Nam biểu diễn tại Thái Lan. |
Chúng tôi tiếp tục sang Ba Lan, Bulgaria và đều thu hút lượng khán giả rất đông. Ông Trần Trọng Hùng, Phó chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan, Trưởng ban tổ chức Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Ba Lan năm 2022 chia sẻ: “Ở Ba Lan, những người Việt hôm đấy rất vui. Cả Warsaw chỉ nói về đoàn múa rối Việt Nam. Chính quyền thành phố bày tỏ cảm ơn Hội Người Việt Nam tại Ba Lan đã đưa được một đoàn rối nước hoành tráng đến Warsaw. Lãnh đạo Bộ Văn hóa nước này đến dự và cũng nhận xét rằng cộng đồng người Việt ở đây đã làm đẹp cho thành phố vì nét văn hóa mà họ đã giới thiệu. Người dân bản địa nói rằng đúng là văn hóa tạo nên diện mạo của một dân tộc”.
Tháng 9-2022, chúng tôi bay sang Nhật Bản dự Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Kanagawa. Lễ hội này được tổ chức hằng năm. Từ năm 2017 đến nay, trừ hai năm dịch bệnh còn năm nào nhà hát cũng sang Nhật Bản và luôn được các bạn chào đón nồng nhiệt. Đến hẹn lại lên, cứ đúng vị trí sân khấu và khoảng thời gian ấy trong năm, các nghệ sĩ của Nhà hát lại có mặt như là cách chúng ta đến chơi nhà một người thân. Khán giả nơi đây yêu quý và coi các nghệ sĩ Nhà hát như một thành phần không thể thiếu của lễ hội.
Những tình cảm của khán giả khẳng định uy tín và chất lượng nghệ thuật của Nhà hát. Điều này không tự nhiên mà xuất phát từ sự quan tâm, coi trọng khán giả. Mỗi lần có dịp lưu diễn, chúng tôi tranh thủ mọi cơ hội để giới thiệu thật nhiều về văn hóa Việt Nam. Tại các buổi biểu diễn, chúng tôi ghi lại chương trình, quan sát thái độ của khán giả và phỏng vấn họ có thích chương trình không, đây có phải là nền văn hóa mà họ quan tâm không? Những phản hồi đó được chúng tôi cập nhật và điều chỉnh từng ngày, sau mỗi buổi diễn nên thường các buổi sau lại thu hút khán giả đông hơn. Có nhiều người dùng điện thoại quay những chương trình của chúng tôi với sự thích thú. Sau các buổi biểu diễn, khán giả lại lên giao lưu, tìm hiểu và trải nghiệm nhiều hơn với rối nước. Nhiều khán giả còn thuê cả khách sạn hay dựng lều cả tuần ở gần khu vực biểu diễn để ngày nào cũng đến xem múa rối của Việt Nam.
Với đội ngũ diễn viên của Nhà hát, được ra nước ngoài biểu diễn là cơ hội để giao lưu, học hỏi. Những bạn nước ngoài nói lại với tôi rằng mỗi diễn viên của Nhà hát lên sân khấu đều tươi tắn, cuốn hút. Vừa mới hôm trước đi mấy nghìn ki-lô-mét, đến nơi 4 giờ sáng mới dựng xong sân khấu mà buổi diễn sáng hôm đó bước ra sân khấu một cái là họ tươi tắn như rừng hoa mới nở. Các nghệ sĩ của Nhà hát rất vui và tự hào bởi họ thấy rằng những việc họ làm đã được cảm nhận bằng trái tim, cảm xúc của khán giả.
Ở góc độ quản lý nhà hát, tôi cho rằng, quảng bá văn hóa là sứ mệnh của một nhà hát quốc gia cho nên sự xuất hiện của Nhà hát Múa rối Việt Nam phải đúng nghĩa của một nhà hát quốc gia. Từ việc chuẩn bị ở Việt Nam thế nào đến diễn viên, trang trí, tác phong, phong thái, sinh hoạt, tiếp xúc ra sao... Khi đi biểu diễn ở các nước, các nghệ sĩ là những "sứ giả" truyền bá nét hay, nét đẹp và sự độc đáo của văn hóa dân tộc, đồng thời học hỏi những cái hay, cái đẹp, cái văn minh của thế giới.
NSND NGUYỄN TIẾN DŨNG, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam