Tôn vinh những tài năng làm rạng danh nền văn học, nghệ thuật Việt Nam

Theo dự kiến, ngày 13-12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (VHNT) đợt 6-năm 2022.

Ý kiến của lãnh đạo một số hội nghệ thuật chuyên ngành, các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đều khẳng định: Những giải thưởng cao quý tiếp tục sứ mệnh tôn vinh sự đóng góp đỉnh cao cho VHNT của những văn nghệ sĩ một đời phấn đấu, cống hiến phục vụ đất nước và nhân dân.

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam:

Tạo ra vẻ đẹp mới, sức sống mới cho nghệ thuật múa Việt Nam

Trong 6 đợt trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam vinh dự có các tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh-giải thưởng cao quý nhất ở 3 đợt. Đợt đầu là NSND Thái Ly, đợt 2 là GS, TS, NSND Lê Ngọc Canh và NSND Chu Thúy Quỳnh. Lần trao giải này, Hội có tới 5 tác giả, đồng tác giả được trao tặng và truy tặng. Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa đã trải qua những chặng đường từ kháng chiến cứu quốc đến tái thiết đất nước, đổi mới và hội nhập, nhiều thế hệ tác giả, nghệ sĩ múa đã đóng góp và được vinh danh bằng những tác phẩm, công trình nghiên cứu có giá trị.

NSND Phạm Anh Phương 

Bên cạnh 5 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, còn có 14 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Đây đều là những tài năng dành nhiệt huyết, đam mê và vượt qua những khó khăn, trở ngại để cống hiến, đồng hành với sự đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước bằng những tác phẩm, công trình múa có giá trị. Những tác phẩm tạo sự đột phá trong sáng tạo nghệ thuật khi vận dụng yếu tố dân gian, dân tộc cùng sự tiếp nhận ngôn ngữ múa châu Âu hiện đại, làm tăng tính hấp dẫn trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại, tạo ra một vẻ đẹp mới, hiện đại đồng thời vẫn mang đậm tính dân tộc.

-----------------

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam:

Truy tặng giải thưởng cao quý cho tác giả xứng đáng

So với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật sân khấu luôn được nhìn nhận một cách khắt khe hơn, đặc biệt là những đòi hỏi về một tác phẩm chuẩn mực từ phía công chúng. Từ trong nghệ thuật dân gian đến loại hình nghệ thuật sân khấu, đã có biết bao thầy bà cống hiến và trở thành những “tượng đài” nghệ thuật. Nhưng để được ghi nhận và vinh danh ở những giải thưởng lớn là điều không dễ dàng đối với sân khấu. Một phần, theo các quy định của nghị định xét tặng thời gian qua đang thiên về định lượng, tiêu chí xét tặng tính theo định lượng hạng mục giải thưởng, trong khi với nghệ thuật sân khấu chủ yếu làm nghề vẫn theo lối cũ-truyền nghề.

NSND Trịnh Thúy Mùi 

Đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này, Hội có hai tác giả được truy tặng, đều là những tên tuổi lớn như nhà viết kịch Nguyễn Xuân Trình với những kịch bản sân khấu: “Quê hương Việt Nam”, “Bạch đàn liễu”, “Đợi đến mùa xuân” và tác giả Nguyễn Xuân Đức với các kịch bản sân khấu “Ám ảnh”, “Những mặt người thấp thoáng”, “Nhiệm vụ hoàn thành”, tuyển tập kịch “Chứng chỉ thời gian”. Trong đó, nhà viết kịch Nguyễn Xuân Trình (1891-1991) được đánh giá là tên tuổi hàng đầu của sân khấu hiện đại Việt Nam, có nhiều tác phẩm kịch khiến người trong giới rất vị nể, nhưng đồng thời cũng khiến ông gặp bao lận đận bởi cái nhìn của một thời. 

-------------------

TS Phan Tuấn Anh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế:

Tôn vinh giá trị văn chương vì cuộc sống con người

Nhà thơ Hoàng Trung Thông và nhà văn Bùi Hiển được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 6-năm 2022 có điểm chung là cuộc đời và sự nghiệp gắn bó với cách mạng, đồng hành cùng đất nước và nhân dân. Các tác phẩm của hai nhà văn luôn hướng đến cái ta cao cả, mang tính sử thi rõ nét, với nhân vật trung tâm là nhân dân lao động. Đây là những điểm mạnh, nét chủ đạo của văn học cách mạng, luôn hướng đến phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội to lớn, góp phần thắng lợi nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. Trong bối cảnh văn chương đương đại, một số cây bút sa vào cái tôi cá nhân bé mọn, ít chú ý đến sự nghiệp xây dựng đất nước hùng cường, con người hạnh phúc; việc vinh danh hai nhà văn nói trên khẳng định giá trị văn chương luôn được tỏa sáng vì mục đích cao cả, thiêng liêng.

TS Phan Tuấn Anh.

Để chuyển tải một nội dung cần có hình thức phù hợp mới làm nên tác phẩm như một chỉnh thể nghệ thuật độc đáo. Thơ Hoàng Trung Thông luôn tạo ra một không khí, giọng điệu hùng tráng, phóng khoáng, truyền cảm hứng. Văn xuôi Bùi Hiển rất trữ tình, giàu chất thơ, khám phá sâu những câu chuyện bình dị, đời thường, mang lại ấn tượng thẩm mỹ sâu sắc. Từ những đặc điểm về thi pháp nói trên, tác phẩm của hai ông đều có tính đại chúng cao, dễ nhớ, dễ tiếp thu, được độc giả nhiều thế hệ yêu thích, truyền tụng.

----------------------

Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam

Khẳng định “sức nặng” của nghệ thuật nhiếp ảnh

Giới nhiếp ảnh Việt Nam vui mừng và tự hào khi đợt trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT này có hai nghệ sĩ nhiếp ảnh được vinh danh là NSNA Chu Chí Thành với bộ ảnh “Hai người lính” (4 ảnh) và NSNA Võ An Khánh (Võ Nguyên Nhân) với bộ ảnh “Anh hùng-Bất khuất-Trung hậu-Đảm đang” (10 ảnh). Hai bộ ảnh này được thực hiện trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nổi tiếng từ hàng chục năm qua, được các phương tiện thông tin trong và ngoài nước thường xuyên đăng tải. Sức hút của những bộ ảnh là sự độc đáo về đề tài, bố cục, tính thẩm mỹ, ghi lại khoảnh khắc lịch sử không thể nào quên. Thời gian càng lùi xa, giá trị của những bức ảnh ngày càng tỏa sáng; giải thưởng thêm một lần nữa khẳng định giá trị nhiều chiều của những tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc này.

NSNA Trần Thị Thu Đông 

Nhìn lại các đợt trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trước đây đã tôn vinh tên tuổi của các NSNA là Võ An Ninh, Vũ Năng An, Nguyễn Bá Khoản, Lâm Hồng Long, Đinh Đăng Định, Lương Nghĩa Dũng đã ghi lại khoảnh khắc lịch sử của đất nước trong thế kỷ 20. Những khoảnh khắc trôi đi không thể nào quay lại, nhiếp ảnh có nhiệm vụ giữ gìn khoảnh khắc “vàng mười”; xây dựng nên ký ức cho cộng đồng, sống với nhiều thế hệ mai sau. Hai NSNA lão thành được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này, thêm một lần nữa khẳng định giá trị, vai trò của nhiếp ảnh trong đời sống.

------------------

TS Phạm Phương Linh, Phó trưởng khoa Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương:

Thiết kế mẫu mực, có sức ảnh hưởng lâu dài

Họa sĩ Bùi Trang Chước (Nguyễn Văn Chước) được Đảng, Nhà nước lựa chọn vẽ tem, vẽ tiền và các nhiệm vụ thiết kế quan trọng có tính chất đại diện quyền lực của Nhà nước, của chế độ. Không phải ngẫu nhiên, cấp trên lại chọn ông bởi những phẩm chất ông thể hiện trong thiết kế được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này có thể thấy rõ tính khoa học, tỉ mỉ nhưng cũng rất tinh tế, đầy thẩm mỹ.

 TS Phạm Phương Linh

Xét theo góc độ thiết kế đồ họa, những thiết kế của họa sĩ Bùi Trang Chước, nhất là thiết kế Quốc huy Việt Nam có tính mẫu mực cao, có sức ảnh hưởng đến những biểu trưng của các bộ, ngành, nghề về sau này. Tác phẩm thiết kế đến nay cho thấy sự công phu, sáng tạo của tác giả. Với hai màu chủ đạo đỏ-vàng, bố cục được tạo nên cân đối, vững chắc, các hình tượng trong Quốc huy được nghiên cứu chắt lọc mang tính tượng trưng, chuẩn mực. Ngôi sao vàng được thể hiện 5 cánh đều và nổi ở tâm ngôi sao, màu vàng của các cánh sao có sự thay đổi sắc độ theo ánh sáng. Trên hai bó lúa chín vàng với 54 hạt lúa tượng trưng cho 54 dân tộc được thể hiện tinh tế, sinh động cùng dải lụa mềm màu đỏ cuốn quanh, vừa thể hiện tinh thần mềm mại kết nối tạo hình thiết kế của các yếu tố lại với nhau, tạo nên tính thẩm mỹ hài hòa. Mẫu Quốc huy Việt Nam hoàn chỉnh và đẹp về hình thức, sâu sắc về nội dung, đã thể hiện cô đọng, súc tích về đất nước Việt Nam.

VƯƠNG HÀ - HOÀNG HOÀNG (lược ghi)

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...