Khó khăn đủ bề khi trùng tu di tích ở Thanh Hóa

Thanh Hóa là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa. Trên vùng đất này có nhiều di tích cần trùng tu, sửa chữa hàng năm nhưng việc trùng tu, sửa chữa không phải dễ dù đã bố trí đủ vốn chăng nữa.

Khó khăn đủ bề khi trùng tu di tích ở Thanh Hóa

Công tác trùng tu, sửa chữa di tích phải vừa làm vừa nghiên cứu. Ảnh: Lê Hoàng

Có tiền cũng không dễ làm

Theo Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2024, Sở VHTTDL được giao làm chủ đầu tư 15 dự án tu bổ, tôn tạo các di tích trọng điểm với tổng mức đầu tư gần 2.600 tỉ đồng. Năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công được giao hơn 26,7 tỉ đồng để triển khai thực hiện 7 dự án. Tính đến nay, đã giải ngân được 12,7 tỉ đồng, đạt 47,53% kế hoạch.

Đáng nói, về tổng thể trong giai đoạn 2021-2024 mới có 8 dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư hơn 353 tỉ đồng.

Trong năm 2024, có 4 dự án chuyển tiếp đang triển khai thực hiện gồm Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng Miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư 457 tỉ đồng; Dự án Tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh dự án năm 2023 với tổng mức đầu tư là 550 tỉ đồng; Dự án Đường nối Khu di tích lịch sử Lam Kinh với đường Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư không quá 29,9 tỉ đồng; Dự án Gia cố, chống đỡ cấp thiết các đoạn tường thành đá có nguy cơ bị sập, sạt lở thuộc Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ với tổng mức đầu tư không quá 14,3 tỉ đồng.

Hầu hết các dự án trên đều không thể hoàn thành đúng tiến độ dù ngân sách đã được bố trí.

Các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư với vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng mỗi dự án cũng trong cảnh tương tự. Chẳng hạn Dự án Tu bổ, phục hồi, tôn tạo các hạng mục công trình Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân được phê duyệt năm 2022, với tổng mức đầu tư không quá 199,9 tỉ đồng. Đến nay, sau hàng chục cuộc họp, hàng chục văn bản chỉ đạo điều chỉnh kiến trúc mới đang hoàn thiện hồ sơ dự án.

Dự án Tu bổ, tôn tạo DTLS và KTNT đặc biệt Bà Triệu (Nhóm dự án số 4), xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc được duyệt năm 2021 với tổng mức đầu tư khoảng 256 tỉ đồng hiện nay đang tạm dừng việc triển khai lựa chọn tư vấn lập dự án đầu tư cho đến khi có kết quả Cuộc thi sáng tác mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu chất liệu đồng.

Vướng từ luật đến đất

Nhận định chung của Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa, dự án đầu tư công trình văn hóa trên địa bàn tỉnh thường có tình trạng kéo dài thời gian thực hiện so với quyết định được phê duyệt, dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, gia hạn thời gian thực hiện gói thầu/bổ sung các gói thầu,...

Theo lãnh đạo sở, vướng mắc trên có nhiều nguyên nhân, trước hết là vướng các quy định của pháp luật. Theo Luật Đầu tư công năm 2019, việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án do địa phương quản lý thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân cùng cấp. Tuy nhiên theo Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25.12.2018 của Chính phủ, việc thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới lại thuộc thẩm quyền thỏa thuận, thẩm định của Bộ VHTTDL.

Vì vậy, sau khi HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án, trình xin ý kiến Bộ VHTTDL thẩm định thường phải điều chỉnh quy mô, mục tiêu đầu tư dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc đến khâu trình thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán (thuộc thẩm quyền của Cục Di sản văn hóa) thời gian thẩm định thường kéo dài từ 2-3 tháng và có những hồ sơ dự án vẫn phải hoàn thiện để xin ý kiến thẩm định lại của Cục Di sản văn hóa hoặc thỏa thuận của Bộ VHTTDL đối với các nội dung lưu ý để hoàn thiện hồ sơ dự án,... dẫn đến thời gian thực hiện các trình tự, thủ tục tiếp theo của dự án thường bị kéo dài hơn các dự án xây dựng thông thường.

Luật Di sản văn hóa ban hành từ năm 2001, được sửa đổi năm 2009 đã không còn phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, Bộ VHTTDL đang xin ý kiến các cơ quan, đơn vị về dự thảo sửa đổi, bổ sung luật này.

Một vướng mắc khác là các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về di sản văn hóa còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan (Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai,...) và trong quá trình triển khai thực hiện dự án phải xin ý kiến của nhiều Bộ, ngành Trung ương, dẫn đến việc kéo dài thời gian thẩm định và phê duyệt dự án.

Việc thu thập các hồ sơ, tài liệu lịch sử phục vụ công tác lập dự án chủ yếu thông qua kết quả khai quật khảo cổ học và ý kiến các chuyên gia đầu ngành, vì vậy thường kéo dài và phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Các dự án tu bổ, tôn tạo di tích thường là những phế tích, nên trong quá trình thực hiện vừa triển khai vừa nghiên cứu. Các quy trình thủ tục về đất đai, đăng ký nhu cầu sử dụng đất; trích lục, trích đo, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất; kiểm kê, đền bù, GPMB thường phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân cũng tác động đến tiến độ thực hiện dự án.

Lượt xem: 4
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...