Bình Phước đầu tư tạo sản phẩm du lịch đặc trưng

Là tỉnh có vị trí địa lý chiến lược với các tuyến giao thông kết nối thuận lợi, Bình Phước giữ vai trò quan trọng, cửa ngõ kết nối, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Campuchia, Lào, Thái Lan. Đặc điểm về tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng cùng với truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch tương đối đa dạng, phong phú.

Khu vực rừng Bình Phước có các di tích, danh lam thắng cảnh, nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với rừng như: Vườn quốc gia Bù Gia Mập với diện tích tự nhiên 26.032 ha; Khu du lịch sinh thái thác Đăk Mai 1 (huyện Bù Gia Mập); Khu Quần thể văn hóa - cứu sinh Bà Rá (thị xã Phước Long); Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng); Khu du lịch sinh thái huyện Bù Đốp; Khu du lịch sinh thái rừng Mã Đà (huyện Đồng Phú); Hồ Thác Mơ - hồ nước nhân tạo với diện tích 12.000ha…

Cùng với đó, Bình Phước còn có nhiều địa chỉ đỏ như: Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (Hớn Quản), Mộ 3.000 người (thị xã Bình Long), Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết), Nhà giao tế, Sân bay quân sự Lộc Ninh, Di tích lịch sử quốc gia núi Bà Rá - nơi thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ...

Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, Bình Phước là địa phương có điều kiện tự nhiên -sinh thái đa dạng vào bậc nhất trong toàn vùng. Ở đó có đất đỏ bazan của đồi núi, nương rẫy, có rừng cây, ao hồ, sông suối... Bình Phước đồng sở hữu Vườn Quốc gia Cát Tiên và cụm danh thắng Núi Bà Rá - Thác Mơ, hai viên ngọc quý mà thiên nhiên ban tặng. Hơn thế nữa, Bình Phước là địa phương duy nhất trên toàn quốc sở hữu địa thế “tam long tụ hội”, tức ba hồ lớn hình rồng, châu tuần, uốn lượn: hồ Phú Riềng, hồ Cần Đơn và hồ Thác Mơ. Ba hồ này cùng với thành phố Đồng Xoài tạo thành một hình thoi khá đối xứng, trong đó trục chính là Đồng Xoài - hồ Cần Đơn. Do đó, với những gì Bình Phước đang có, tỉnh có tiềm năng xây dựng thành một “tiểu trung tâm”, song hành với các tiểu trung tâm khác như Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu…, đặt song hành trung tâm lớn Thành phố Hồ Chí Minh, thay vì chỉ “bằng lòng” với vị thế “sân sau” cho vùng trung tâm.

Chính vì vậy, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp nhằm kêu gọi đầu tư dịch vụ tạo 10 sản phẩm du lịch đặc trưng. Cụ thể, Khu đô thị, du lịch sinh thái hồ Suối Giai và Tây hồ Bà Mụ với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí. Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, homestays gắn với các trải nghiệm cùng sinh hoạt với cộng đồng người M’nông và S’tiêng; du lịch tham quan, khám phá các di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam và thế giới thu nhỏ gắn với trải nghiệm khinh khí cầu. Vườn Quốc gia Bù Gia Mập với các sản phẩm du lịch trải nghiệm và khám phá sinh thái rừng.

Địa phương xây dựng Khu Quần thể văn hóa - cứu sinh Bà Rá với các sản phẩm du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe theo phương pháp Đông y, trải nghiệm các hoạt động thể thao mạo hiểm. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam với các sản phẩm du lịch tham quan tìm hiểu lịch sử, du lịch trải nghiệm trường bắn đạn thật và các dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí. Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo với các sản phẩm du lịch trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo của người S’tiêng Bình Phước như tham gia các lễ hội truyền thống của đồng bào, tham gia giã gạo bằng chày tay...

Bình Phước xây dựng Khu đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng Chơn Thành (thị xã Chơn Thành) với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và đánh golf. Xây dựng Công viên văn hóa tại thành phố Đồng Xoài, tạo sân chơi và điểm đến hấp dẫn cho du khách. Khuyến khích đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện các sản phẩm du lịch hiện hữu và bổ sung các dịch vụ phù hợp, đủ điều kiện công nhận điểm du lịch tại Khu lâm viên Mỹ Lệ và Khu du lịch Đảo yến Sơn Hà, Khu du lịch sinh thái vườn Vĩnh Phúc. Đồng thời, khuyến khích đầu tư, nâng cấp dịch vụ hấp dẫn nhằm thu hút du khách đối với các cơ sở (các điểm đến có thể công nhận điểm du lịch): Chùa Phật quốc Vạn Thành; Khu dịch vụ sinh thái Thanh Tùng, Nông trại Phú Gia, Vườn cây ăn trái Quýt Hồng, Trang trại Quý Đông và các trang trại khác có tiềm năng phát triển.


Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, tỉnh xác định việc đầu tư các sản phẩm du lịch phải có tính đặc trưng, khác biệt; đối với sản phẩm du lịch mới phải hiện đại, phù hợp với thế giới nhằm hướng tới thị trường khách du lịch riêng có để định hướng đầu tư và kêu gọi đầu tư một cách đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng du lịch theo từng giai đoạn 2022 – 2025 và 2026 – 2030. Trong đó, Nhà nước có trách nhiệm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội tham gia đầu tư xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch.


Bình Phước phấn đấu thu hút du khách giai đoạn từ năm 2022 – 2025 tăng bình quân 22,92% và 11,89% đối với giai đoạn từ năm 2026 – 2030; phấn đấu đến năm 2025 đạt 2 triệu lượt khách/năm, đến năm 2030 đạt 3 triệu lượt khách/năm; tăng số thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của mỗi du khách, hướng tới mục tiêu doanh thu từ du lịch năm 2030 chiếm khoảng 6 – 7% GRDP của tỉnh./.

Đậu Tất Thành – Nhật Bình

Lượt xem: 5
Tác giả: Nguyễn Như Bình
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...