Kết nối văn hóa đọc: Làm sáng rõ chính sách tôn giáo ở Việt Nam

Một trong những cuốn sách vừa được trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ V năm 2022, là cuốn “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” của PGS, TS Nguyễn Thanh Xuân, do Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành.

Là một quốc gia đa dạng về các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo (khoảng 24 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm gần 27% dân số), được Đảng, Nhà nước quan tâm với các chính sách phù hợp, những năm gần đây, tôn giáo Việt Nam thay đổi theo hướng tích cực, tiến bộ, góp phần vào sự ổn định và phát triển của đất nước. Với phương châm nhìn lại và đổi mới công tác tôn giáo để thực hiện tốt hơn nữa chính sách tôn trọng tự do, tín ngưỡng tôn giáo, vừa phù hợp với xu thế chung của thế giới, vừa phát huy những giá trị tích cực, cuốn sách “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” là một công trình có ý nghĩa thiết thực, bổ ích.

  Trang bìa cuốn sách. 

Với thâm niên hơn 30 năm làm công tác tôn giáo ở Ban Tôn giáo Chính phủ, là một nhà giáo, nhà khoa học giảng dạy tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS, TS Nguyễn Thanh Xuân có điều kiện tham khảo tài liệu, cùng với đó là vốn hiểu biết dày dặn, một tâm huyết để hoàn thành cuốn sách công phu, dày gần 560 trang.

Có một cấu trúc chặt chẽ, hệ thống, hai phần đầu của cuốn sách (Tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; Chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo) mang tính nền móng cơ sở để có phần 3 là ngôi nhà đoàn kết các tôn giáo (Đời sống tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới) đã cho người đọc hình dung toàn cảnh bức tranh tôn giáo ở Việt Nam từ trước đến nay. Từ cái nhìn của văn hóa học, cuốn sách chứng minh địa bàn cư trú, lịch sử, lối canh tác, tập quán đã hình thành một hằng số văn hóa mang đậm bản sắc Việt là tình thương, làm cơ sở cho lòng yêu nước sâu sắc, bền bỉ, cho sự đoàn kết để tạo ra một sức mạnh tinh thần lớn lao. Từ một nền văn hóa khác các tôn giáo bắt rễ vào mảnh đất văn hóa Việt Nam, hợp với thung thổ và khí hậu mà trổ mọc những cây xanh tôn giáo mang một dáng vẻ riêng đầy sức sống, góp phần tỏa bóng che mát tâm hồn dân tộc. Những cây xanh ấy dần dần trở thành một điểm tựa tinh thần của một bộ phận nhân dân hướng về mục đích chân chính tốt đời đẹp đạo. Thế nên bạn đọc thêm thấu hiểu các chính sách của Đảng, Nhà nước ta, luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo. Với những số liệu biết nói, những dẫn chứng thực tế, cuốn sách là một minh chứng rõ ràng, thuyết phục nhằm phê phán các quan điểm sai trái, thù địch “Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo”. Với bằng chứng xác thực, tác giả cũng cho thấy có nhiều người hiểu sai quan điểm của Mác về tôn giáo do trích dẫn không đầy đủ, trong khi đó, trên các văn bản gốc, nhìn từ ngày hôm nay cũng cho thấy Mác thể hiện một tinh thần khoa học, những nhận định chính xác về tôn giáo đi trước thời đại.

Hướng tiếp cận chủ yếu của cuốn sách là từ góc độ công tác tôn giáo, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo, với cái nhìn khoa học, biện chứng, tác giả lý giải những hạn chế trong nhận thức và ứng xử với tôn giáo trước đây. Điều đó càng làm nổi bật các ý nghĩa tiến bộ về chính sách đối với tôn giáo trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước ta. Công trình vừa có ý nghĩa lý thuyết về tôn giáo học, xã hội học, chính trị học, vừa có ý nghĩa thực tiễn. Bằng các con số cụ thể, tác giả cho thấy các tôn giáo có những đóng góp thiết thực, to lớn trong việc xã hội hóa các hoạt động từ thiện xã hội, ủng hộ chương trình gây Quỹ Vì người nghèo. Nhất là thời điểm đất nước trải qua đại dịch Covid-19, các tín đồ tôn giáo đã góp công góp sức cổ vũ, lan tỏa tinh thần yêu thương, sẻ chia, sống tình nghĩa với đồng bào.

Tags: tôn giáo