Khát vọng đưa âm nhạc hàn lâm Việt Nam ra thế giới
Là một trong số ít tài năng được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc (một trong những nhạc sĩ khí nhạc hàng đầu Việt Nam hiện nay) nhận là học trò và dìu dắt, Phạm Xuân Bình Sơn đã có những sáng tác và tư duy lấy yếu tố bản sắc dân tộc làm hành trang bước ra thế giới, cũng như tạo sự giao thoa truyền thống với âm nhạc cổ điển trên sân khấu Việt Nam.
Sân khấu hai đêm CAM Gala “Mai mai, mãi mãi”-Classic And More, mang nhạc cổ điển tới gần hơn với cộng đồng yêu nghệ thuật, tổ chức tại Cung Thể thao Quần Ngựa (Hà Nội) và Nhà thi đấu Quân khu 7 (TP Hồ Chí Minh) tháng 3 vừa qua đã “hâm nóng” trái tim hàng nghìn khán giả ở các buổi diễn, với 32 tác phẩm âm nhạc trong sự giao thoa cổ điển và hiện đại. Phối khí, dàn dựng 32 tác phẩm để các ca sĩ, nhóm nhạc đến từ nhiều quốc gia tới biểu diễn khiến chàng nghệ sĩ trẻ Bình Sơn vẫn còn cảm xúc hồi hộp khi kể lại.
“Được nhà sản xuất ngỏ lời mời tham gia phối khí và trực tiếp chỉ huy Gala, tôi khá lo lắng. Bởi trước đó, tôi thường chỉ huy những tác phẩm do mình sáng tác dàn dựng cho dàn nhạc, hoặc chỉ huy trên những sân khấu không quá đông khán giả, hoặc các buổi biểu diễn sân khấu nhỏ ở Mỹ. Tuy nhiên, khi làm việc với các nhóm nhạc, ca sĩ trẻ mang khát vọng lan tỏa âm nhạc trong sự giao thoa truyền thống và hiện đại tới công chúng trẻ, tôi đã rất hào hứng nhập cuộc, hòa vào sức trẻ, sự thăng hoa của những nghệ sĩ trên sân khấu CAM Gala”, Bình Sơn chia sẻ.
Bình Sơn chỉ huy trong CAM Gala tại Cung Thể thao Quần Ngựa (Hà Nội) tháng 3 vừa qua. |
Phạm Xuân Bình Sơn là tài năng sáng tác, chỉ huy trẻ, mới của làng nhạc Việt. Chàng nghệ sĩ sinh năm 1999, trong cái nôi gia đình nghệ thuật, có mẹ là Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú Nông Thị Bích Kim (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội). Năm lên 9 tuổi, Bình Sơn được gia đình cho học piano, nhưng năm 14 tuổi, Bình Sơn được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, cũng là nghệ sĩ thân quen của gia đình, phát hiện tài năng sáng tác, nhận cậu bé làm học trò và cho chuyển sang Khoa Sáng tác-Chỉ huy-Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Bình Sơn tâm sự: "Thầy Đặng Hữu Phúc rất khó tính trong việc chọn học trò. Tôi thực sự đã rất may mắn được thầy nhận và dìu dắt. Thầy và con đường sáng tác âm nhạc của thầy, nhất là lấy âm nhạc truyền thống làm cảm hứng tạo nên phong cách sáng tạo để đưa khí nhạc Việt Nam ra thế giới luôn ảnh hưởng và là tấm gương tôi mong muốn noi theo”.
Khát vọng sáng tác và chỉ huy của Bình Sơn càng có cơ hội thể hiện khi anh được Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cử đi du học tại Mỹ 4 năm. Đây là quãng thời gian chàng nghệ sĩ trẻ được tiếp cận, mở rộng chân trời tri thức cũng như học hỏi phong cách sáng tác, chỉ huy của các thầy giáo, nhạc sĩ hàng đầu thế giới. Trong thời gian này, Bình Sơn đã sáng tác những tác phẩm khí nhạc mang âm hưởng nhạc dân gian Việt Nam như: “Lý cây đa”, “Con gà gáy le te”... viết cho piano, phối theo phong cách hiện đại, mang đến màu sắc mới, hấp dẫn cho dàn nhạc thể hiện cũng như người nghe trên nhiều sân khấu âm nhạc của Mỹ và Việt Nam thời gian qua.
Sau thời gian học ở Mỹ, Bình Sơn chọn trở về cống hiến cho quê hương. Bình Sơn cho biết, những tác phẩm khí nhạc anh sáng tác và hòa âm phối khí đều mong muốn đưa đến người nghe cách cảm nhận mới, tạo sự ảnh hưởng trong phong cách làm nhạc của mình, để người nghe thấy được vẻ đẹp của nghệ thuật âm nhạc đích thực chứ không chỉ là một loại hình giải trí. Ngược lại, khán giả ngày nay cũng khá tinh ý khi sẵn sàng đón chào những tác phẩm mang ý tưởng mới với những góc nhìn, âm hưởng mang giá trị đẹp về tình yêu quê hương, đất nước. Khát vọng lớn lao của chàng nhạc sĩ trẻ hiện nay là tiếp nối thầy giáo của mình, đưa âm nhạc hàn lâm Việt Nam tới thế giới.