Hiệu ứng khai thác chất liệu dân gian trong sáng tác âm nhạc

Khai thác chất liệu âm nhạc và văn hóa dân gian là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhạc sĩ Việt Nam xưa và nay. Đặc biệt, những ca khúc dành cho giới trẻ trong giai đoạn hiện nay được rất nhiều tác giả quan tâm, nhất là tác giả trẻ.

Tự hào tiếp nối

“Này thầy tiểu ơi/ Em là Thị Mầu/ Em không biết đâu/ Em cứ bắt đền/ Gọi mẹ thưa cha/ Ăn vạ cả làng/ Cho em lấy chàng.../ Bớ làng nước ơi!”... Những câu hát này được lan truyền mạnh trên mạng xã hội trong suốt những ngày tháng 3 vừa qua. Đây là một phần nằm trong ca khúc “Thị Mầu” (tác giả Nguyễn Hoàng Phong) do ca sĩ Hòa Minzy (tên thật Nguyễn Thị Hòa) thể hiện. Câu hát với giai điệu khá “hút” trong khi lời ca nói về nhân vật quen thuộc. Ngay việc khai thác nội dung, nhân vật và tác phẩm văn học cũng cho thấy chất liệu dân gian trong ca khúc này một cách rõ nét.

Vẫn ca khúc “Thị Mầu”, đoạn mở đầu là tiếng rao của mõ làng: “Chiềng làng chiềng chạ/ Thượng hạ Tây Đông/ Con gái phú ông/ Tên là Mầu Thị/ Tâm tình ngoại ý/ Mời già trẻ gái trai ra đình mà ăn khoán í a...”. Tiếng rao này cũng đậm chất dân gian ở cả khía cạnh âm nhạc và văn hóa, bởi nó có thể coi là một lối hát nói có nhịp điệu, cao độ và trường độ, là một hình thức truyền tin rất điển hình trong văn hóa làng xã xưa kia. Trong quá khứ, hầu hết làng Việt ở Bắc Bộ đều có hoạt động này.

      Ê kíp của ca sĩ Hoàng Thùy Linh với MV “Gieo quẻ” được trao Giải Âm nhạc Cống hiến 2022. Ảnh: HÒA NGUYỄN 

Khai thác chất liệu dân gian còn thấy trong nhiều ca khúc dành cho giới trẻ. Chẳng hạn, bài rap “Nam quốc sơn hà” trong gameshow truyền hình The Heroes năm 2021. Bài rap là sự kết hợp giữa hò sông nước Nam Bộ (Phương Mỹ Chi thể hiện) với rap (Erik thể hiện). Bản thân chính “bài thơ thần” cũng là nguồn cảm hứng để ê kíp sáng tạo nên bài rap.

Không chỉ chất liệu dân gian vùng Đồng bằng Bắc Bộ, sông nước Nam Bộ, màu sắc văn hóa và âm nhạc của các tộc người thiểu số cũng được quan tâm. Nhiều sản phẩm của các ca sĩ những năm gần đây khai thác rất đậm chất miền núi phía Bắc, như: Sèn Hoàng Mỹ Lam với ca khúc “Mời anh về Tây Bắc” (Hà Quang Anh), “Em là cô giáo vùng cao” (nhạc: Phan Huy Hà-thơ: Hoàng Nghĩa Tự); ca sĩ Nguyễn Thu Hằng với “Nhà em ở lưng đồi” (nhạc sĩ Đức Trịnh), “Hoa ban về” (Đoàn Đăng Đức)... Chất liệu dân gian Tây Bắc ở đây là nhịp điệu, những âm thanh đặc trưng khèn, sáo Mông...

Cũng khai thác chất liệu dân gian miền núi phía Bắc, nổi bật nhất có lẽ là “Để Mị nói cho mà nghe” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh. Chất liệu được khai thác là âm hưởng dân ca, dân vũ, văn hóa đặc trưng, trong đó bao gồm cả trang phục dân tộc. Bên cạnh đó, đầu năm 2022, Hoàng Thùy Linh ra mắt MV “Gieo quẻ” cũng khai thác chất liệu dân gian, truyền thống từ văn hóa đến âm nhạc, trở thành tác phẩm nổi bật của ê kíp sáng tạo và gặt hái thành công khi được tặng Giải Âm nhạc Cống hiến ở hạng mục "Music video của năm" do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) trao tối 30-3 vừa qua.

Nguồn cảm hứng của mọi thế hệ sáng tác

Nhìn lại thế hệ cha anh, khai thác chất liệu dân gian, truyền thống dân tộc vào trong sáng tác ca khúc là một trong những đặc điểm nổi bật của nền âm nhạc mới Việt Nam, đã xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu và thực sự rực rỡ trong nền âm nhạc cách mạng và cả những dòng ca khúc khác trong hơn 80 năm qua. Chỉ nói riêng một vài ca khúc thuộc dòng ca khúc cách mạng cũng đã nhìn thấy rõ điều này. Chẳng hạn như trong ca khúc “Lên ngàn” (sáng tác khoảng năm 1952-1953), nhạc sĩ Hoàng Việt lấy âm hưởng của câu hò sông nước Nam Bộ làm chủ đạo và dựa vào đó phát triển toàn bộ ca khúc. Cũng sử dụng những câu hò sông nước, nhạc sĩ Hoàng Vân đã khai thác những câu hò sông Mã thường dùng trong lao động sản xuất vào trong ca khúc “Hò kéo pháo” (năm 1954)...

Thậm chí, ngay ca khúc “Cùng nhau đi hồng binh” (năm 1930) của nhạc sĩ Đinh Nhu, được cho là tác phẩm đầu tiên của nền tân nhạc và âm nhạc cách mạng Việt Nam cũng mang chất liệu dân gian. Thoạt nghe có thể nhiều bạn đọc sẽ bất ngờ vì đây là một hành khúc với đặc điểm nổi bật là nhịp đi cùng cấu trúc cũng như âm nhạc đậm chất phương Tây. Tuy nhiên, chất truyền thống lại thể hiện ở ca từ được triển khai với liên tiếp các tiết nhạc gồm 5 nốt, tương ứng với 5 ca từ: “Cùng nhau đi hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh” hay “Nào anh em nghèo đâu/ Liều thân cho đời sống/ Mong thế giới đại đồng/ Tiến lên quân Hồng”. Rõ ràng cách xây dựng nội dung ca từ có chủ ý gieo vần nhằm dễ nhớ, dễ thuộc và điều này nếu “ướm” sang văn học thì rất tương đồng với thể thơ ngũ ngôn (5 chữ) trong thơ ca dân tộc. Một thể thơ với đặc điểm nổi bật là có vần, nhịp, ngắn gọn, nội dung truyền đạt hiệu quả nhất là mang tính chất vui tươi, nhí nhảnh.

Người yêu nhạc Việt đều đã quen với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cha đẻ của những ca khúc giàu tính tự sự và chất triết lý trong nội dung. Nếu nhìn vào ca khúc của ông, ít ai nghĩ tới chất liệu dân gian được hiện hữu. Trên thực tế, dù không nhiều nhưng Trịnh Công Sơn đã có những sáng tác khai thác âm nhạc dân gian khá thú vị. Nổi bật nhất là ca khúc “Tiến thoái lưỡng nan”, tựa đề ca khúc là một câu thành ngữ phổ biến trong dân gian, giai điệu âm nhạc được khai thác từ chất liệu bài dân ca “Gió đánh đò đưa”. Hay như ca khúc “Ở trọ” ẩn chứa chất liệu dân gian Đồng bằng Bắc Bộ.

Lan tỏa những giá trị đẹp của dân gian

Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập tới một vài trường hợp, nhất là những trường hợp tưởng như ít có liên quan, để thấy rằng âm nhạc dân gian và chất liệu dân tộc luôn được các thế hệ nhạc sĩ quan tâm. Tất nhiên, còn nhiều nhạc sĩ các thế hệ đã khai thác chất liệu dân gian một cách tài ba, cần phải nhắc đến như Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương, Đỗ Nhuận, Phạm Duy, Thanh Sơn, Bắc Sơn... Lứa sau có Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến, An Thuyên, Nguyễn Tiến... Trẻ hơn nữa có Lê Minh Sơn, Giáng Son, Đức Trí... Đáng nói, một vài năm gần đây, khai thác chất liệu dân gian, truyền thống đang là xu hướng trong ca khúc dành cho giới trẻ. Có một vài điểm chung và riêng đối với các nhạc sĩ thuộc thế hệ đi trước và các tác giả trẻ ngày nay trong việc khai thác này.

Điểm chung là, cùng dựa vào vốn truyền thống dân tộc không chỉ trong âm nhạc mà còn văn học, thơ ca, trang phục, văn hóa truyền thống... Việc khai thác có thể là đậm màu sắc âm nhạc, cũng có khi chỉ khai thác yếu tố văn hóa, trang phục... Trong khi đó, điểm riêng là âm nhạc của giới trẻ thiên về những giai điệu có tiết tấu, trong khi nếu như thế hệ trước sáng tác mang tính chuẩn mực thì giới trẻ hiện nay thiên về âm nhạc điện tử, chất liệu dân gian vì thế cũng được xử lý, “biến hóa” để phù hợp hơn với những đặc trưng của dòng âm nhạc điện tử. Những đặc điểm này sẽ hướng tới những hiệu quả khác nhau trong âm nhạc, nếu như với các tác phẩm của nhạc sĩ thế hệ trước, những ca khúc vẫn rất gần gũi với truyền thống thì những ca khúc của giới trẻ hiện nay lại hướng tới sự phù hợp với xu hướng âm nhạc trẻ khu vực và thế giới.

Có thể nói, mỗi giai đoạn có một góc nhìn, cách tiếp cận và cách khai thác khác nhau. Đồng thời, mỗi giai đoạn sẽ đáp ứng những phân khúc khán giả cũng như nhu cầu của người nghe với những đặc trưng riêng. Song, việc khai thác chất liệu dân gian, truyền thống dân tộc vẫn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhạc sĩ sáng tác ca khúc trong quá khứ, hiện tại và còn tiếp tục ở tương lai, góp phần lan tỏa những giá trị vô cùng đẹp đẽ và quý giá trong dân gian được các thế hệ tương lai tiếp nối.

Tags: Âm nhạc