Bảo tồn chữ viết cho đồng bào Khmer

Trong chuyến công tác gần đây đến tỉnh Sóc Trăng tìm hiểu về công tác chuẩn bị cho Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII, năm 2022, chúng tôi vinh dự được tiếp cận Nhà giáo Nhân dân Lâm Es, một người dành cả cuộc đời để bảo tồn, giữ gìn, truyền dạy chữ viết cho đồng bào Khmer.

Trong câu chuyện của mình, thầy Lâm Es tâm sự:

- Điều lo lắng nhất của thế hệ chúng tôi, đó là hiện nay một bộ phận không nhỏ con em của đồng bào Khmer không biết nói và viết chính ngôn ngữ của mình.

 Lo lắng như vậy nên cả cuộc đời thầy Lâm Es đã nghiên cứu và viết hơn 50 đầu sách giáo khoa dạy chữ viết cho các cấp học phổ thông, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ.

Cộng đồng người Khmer Nam Bộ có hơn 1,3 triệu người, sinh sống tập trung tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, trong đó, đông nhất là Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang... Đồng bào Khmer ở Nam Bộ đang kế thừa một di sản văn hóa vô giá, với nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, như hát múa rô băm, nghệ thuật kịch hát dù kê, nghệ thuật điêu khắc, trang trí, hội họa, âm nhạc, văn học dân gian...

Nhà giáo Nhân dân Lâm Es.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây một bộ phận giới trẻ lại không mấy mặn mà, lơ là với những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Một phần do tác động của những loại hình văn hóa ngoại nhập, phần vì việc lưu truyền giữa các thế hệ không được chú trọng nên nhiều thanh niên không hiểu được giá trị di sản văn hóa vô giá của dân tộc mình. Đặc biệt, điều đáng báo động nhất là thực trạng không ít người Khmer không biết nói, đọc, viết ngôn ngữ của dân tộc mình. Có lẽ do gánh nặng mưu sinh và nhiều nguyên nhân khác nên nhiều gia đình không quan tâm đến việc cho con em mình học tiếng mẹ đẻ, đó chính là điều đáng quan tâm nhất hiện nay.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer, trong những năm qua, việc dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc tại các điểm chùa, trường học trên địa bàn các tỉnh luôn được sự ủng hộ, khuyến khích từ chính quyền địa phương và nhân dân. Nhiều nơi, học chữ viết đã trở thành phong trào học tập mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer.

Tiếng nói và chữ viết của mỗi dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung và cộng đồng dân tộc Khmer nói riêng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên những sản phẩm chứa đựng các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, góp phần hình thành kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Cũng chính vì thế, việc dạy và học chữ góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục, bảo đảm an ninh chính trị, nâng cao dân trí, bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer. Đồng thời, việc dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số phát huy được sự tham gia của cộng đồng vào sự nghiệp phát triển giáo dục, thực hiện tích cực quá trình xã hội hóa giáo dục và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ, trong đó có dạy tiếng nói và chữ viết là những việc làm chứa đựng các giá trị văn hóa, vật chất, tinh thần góp phần hình thành kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

NGUYỄN BÁ

Tags: bảo tồn
Lượt xem: 37
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết