Vì sao giữa tháng 11, miền Bắc vẫn nắng nóng bất thường?
Chuyên gia cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan đưa ra lý giải và nhận định về hình thái thời tiết nắng nóng khi sang giữa tháng 11 và đã lập đông.
Không khí lạnh yếu liên tiếp tràn xuống, Bắc bộ âm u, mưa rải rác về sáng
An Ninh Thủ Đô dẫn thông tin từ trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh suy yếu nên hôm nay 17/11, các tỉnh tỉnh miền Bắc có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng. Riêng vùng núi Bắc bộ, do tác động của vùng hội tụ gió trên cao nên có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có giông.
Nhiệt độ thấp nhất các tỉnh miền Bắc từ 22-25 độ C, vùng núi có nơi dưới 21 độ C. Nhiệt độ cao nhất 28-31 độ C, có nơi trên 31 độ C. Dự báo đến 18/11, các tỉnh vùng núi Bắc bộ vẫn có mưa rải rác, vùng đồng bằng ít mưa, trời hửng nắng.
Khoảng ngày 19/11, một đợt không khí lạnh yếu, lệch Đông sẽ tràn xuống nước ta. Do tác động của đợt không khí lạnh yếu này nên từ đêm 18/11, vùng núi Bắc bộ có mưa rào rải rác và có nơi có giông. Ngày 19/11, miền Bắc có mưa giông rải rác.
Sau đó khoảng 21-22/11, không khí lạnh tiếp tục tăng cường. Miền Bắc từ 21-24/11 có mưa rào rải rác và có nơi có giông. Nền nhiệt giảm 2-3 độ C.
Tại miền Trung, từ ngày 19-24/11 hình thành nhiễu động trong đới gió Đông trên cao. Vì vậy, từ ngày 20-24/11, khu vực Bắc Trung bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa to.
Khu vực Trung và Nam Trung bộ, Tây Nguyên từ ngày 19-23/11, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông. Ngày 24/11, có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa to.
Riêng Nam bộ từ ngày 19-24/11 cũng có mưa rào và rải rác có giông, cục bộ có mưa to. Từ ngày 25-26/11 có mưa rào và giông rải rác xuất hiện vào chiều và tối, cục bộ có mưa to. Trong mưa giông đề phòng lốc sét và gió giật mạnh.
Không khí lạnh yếu lệch Đông liên tiếp tràn xuống Bắc bộ những ngày tới. Ảnh: Nguoiduatin.
Vì sao mùa đông miền Bắc lại nóng bất thường, trái ngược dự báo?
Thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho thấy, từ đầu tháng 10 tới nay, mặc dù vẫn đón những đợt không khí lạnh, chỉ có đợt không khí lạnh tăng cường từ ngày 18 đến 20/10 gây rét tại Bắc Bộ.
Nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 14-17 độ C, vùng núi thấp hơn. Trong đó, vùng núi cao nhiều nơi thấp dưới 11 độ C. Bên cạnh đó, khu vực vịnh Bắc Bộ đã quan trắc được gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Sang tháng 11, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cao hơn trung bình nhiều năm 0,5 độ C. Khoảng trung tuần và nửa cuối tháng 12, miền Bắc nước ta sẽ đón đợt rét đậm, rét hại đầu tiên trong mùa đông năm 2022.
Trả lời PV VTC News, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan, cho biết, năm nay, La Nina đang giai đoạn muộn, chuẩn bị chuyển sang pha trung tính, bắt đầu từ đầu năm 2023. La Nina chuyển sang pha trung tính, mưa và lạnh giảm, chuyển sang giai đoạn ấm và khô.
"La Nina hiện vẫn còn nhưng vùng ảnh hưởng của nó không còn nằm ở trục phía vĩ tuyến cao. Hiện tượng mưa và lạnh nằm ở trục dưới vĩ tuyến gần xích đạo. Từ vĩ tuyến 17 trở lên ít chịu ảnh hưởng của La Nina trong thời gian này nên thời tiết không lạnh lắm", ông Huy nói.
TS Nguyễn Ngọc Huy cũng nhấn mạnh nhiệt độ trung bình chung của mùa đông năm nay sẽ cao hơn so với các năm trước. Xen kẽ những đợt nắng ấm vẫn có đợt lạnh sâu, nhưng sẽ không kéo dài.
"Mùa đông năm nay, số ngày nắng ấm nhiều, số ngày lạnh vẫn có nhưng ít hơn các năm khác. Vẫn có thể có những đợt rét đậm, rét hại, tuyết rơi nhưng nếu tính trung bình chung của những đợt lạnh ấy cộng lại so với trung bình nhiều năm trước sẽ không bằng. Xác suất để có những đợt như thế cũng không nhiều vì khi pha trung tính hoặc El Nino thịnh hành thì cơ hội để tạo ra các đợt lạnh sẽ ít đi", TS Nguyễn Ngọc Huy phân tích.
Cũng theo TS Nguyễn Ngọc Huy, mô hình phân tích dự báo khí hậu toàn cầu (GFS) cho thấy, các tỉnh miền Bắc của Việt Nam sẽ có nhiệt độ trung bình cao hơn từ 1 - 1,5 độ C so với trung bình giai đoạn 1980 - 2009. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình ở khu vực Bắc Trung Bộ sẽ cao hơn 0,5 - 1 độ C. Nhiệt độ các tỉnh phía Nam vẫn không đổi so mới mọi năm.
"Chúng ta có thể sẽ phải đối diện một mùa hè nắng nóng cực đoan vào năm tới khi nền nhiệt được dự báo sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Cần phải tính toán đến việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng từ bây giờ vì mùa hè sang năm có thể thiếu điện do nhu cầu tăng cao", TS Huy thông tin.
Bên cạnh đó, TS Huy nhận định, mưa đá có thể xuất hiện dịp đầu năm ở các tỉnh phía Bắc, trong khi hạn hán có thể xảy ra ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
"Lúc ấy, nếu pha trung tính kéo dài ổn định hơn, sẽ không có thời tiết cực đoan, nhưng pha trung tính chuyển thành La Nina hoặc El Nino sẽ có nhiều thời tiết cực đoan", TS Huy cho hay.
Mùa đông đang ấm dần lên. Ảnh: VTV.
Mùa đông không chỉ đến muộn, mà còn có xu hướng ấm lên
Thông tin từ chương trình "Việt Nam hôm nay" trên VTV1 ngày 12/11 cho hay, mùa đông không chỉ đến muộn, mà còn có xu hướng ấm lên do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, 2016 được xem là năm ấm nhất với nền nhiệt mùa đông cao hơn 2,5 độ C so với trung bình nhiều năm.
Các năm 2018, 2019, 2020 nằm trong danh sách 5 năm có mùa đông ấm nhất trong giai đoạn 1986 đến 2020. Số ngày rét đậm với nhiệt độ trung bình ngày dưới 15 độ C và số ngày rét hại với nhiệt độ trung bình ngày dưới 13 độ C cũng giảm rõ rệt.
Ở nước ta, theo thống kê gần 60 năm trở lại đây, số lượng các đợt không khí lạnh từ Siberia tràn xuống ngày càng giảm mạnh. Thông thường, mỗi năm có 29-30 đợt không khí lạnh đi xuống nhưng 10 năm trở lại đây đã giảm còn 25 đợt. Đặc biệt, từ năm 2019, còn 17 đợt không khí lạnh từ Siberia tràn xuống nước ta.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, cho hay, mùa đông năm nay, nền nhiệt toàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C.
Trong những ngày tới, từ 19-20/11 sẽ có một đợt không khí lạnh, cường độ mạnh hơn đợt 13-14/11, gây ra gió mạnh trên vịnh Bắc Bộ, Bắc và giữa Biển Đông.