Bão số 7 suy yếu, các tỉnh ven biển ứng phó với gió mạnh
Theo dự báo, bão số 7 (bão Nalgae) sẽ suy yếu nhưng do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh, vùng biển ngoài khơi cần đề phòng gió mạnh, sóng lớn.
Các tàu, thuyền đã lên phương án phòng tránh
Tại cuộc họp của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai diễn ra sáng 31/10 ở Hà Nội, các đại biểu đề nghị theo dõi sát diễn biến của bão số 7, thông tin và hướng dẫn các tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Thông tin tại cuộc họp cho biết, đã có 14 trên tổng số 19 tỉnh, thành phố ban hành công điện, văn bản ứng phó với bão số 7. Tính đến sáng 31/10, đã có hơn 30.000 tàu với hơn 161.000 lao động nhận được thông tin và diễn biến của bão số 7 để chủ động phòng, tránh.
Ảnh minh họa |
Ông Hoàng Văn Hiến, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết: "Hiện lực lượng bộ đội biên phòng vẫn duy trì nghiêm các chế độ trực, kiên quyết kêu gọi các phương tiện hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn. 52 tàu của tỉnh Quảng Ngãi hiện đang ở khu vực an toàn, tuy nhiên vẫn tiếp tục chỉ đạo bám sát diễn biến của bão, đề phòng bão số 7 đổi hướng để kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh; sẵn sàng lực lượng phương tiện tham gia xử lý khi có tình huống".
Ông Phạm Đức Luận, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nắm chắc tình hình và dự báo chính xác để cung cấp kịp thời các bản tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong triển khai biện pháp ứng phó với cơn bão.
Tại cuộc họp, các đại biểu đề nghị, cần thường xuyên giữ liên lạc với 52 tàu, 468 lao động của tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động ở khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa. Bão số 7 trên đường di chuyển kết hợp với không khí lạnh gây gió mạnh, sóng lớn trên biển nguy cơ cao đối với các tàu, thuyền đang hoạt động ở khu vực này.
Triển khai ứng phó với bão số 7, Bộ Quốc phòng đã có công điện số 44/TK ngày 29/10/2022 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động sẵn sàng ứng phó với diễn biến bão. Đồng thời, 13/19 tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó với bão.
Ngoài ra, theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, ngày và đêm 31/10, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; Biển động mạnh; Sóng biển cao từ 3-5m.
Tại khu vực Trung Bộ, từ ngày 29-31/10, mực nước triều tại khu vực ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi duy trì ở mức cao. Độ cao sóng trong 3-5 ngày tới duy trì ở mức 2-4m, có lúc trên 4m, biển động. Nguy cơ xảy ra ngập úng tại các vùng trũng thấp và nguy cơ sạt lờ bờ biển.
Tại khu vực Nam Bộ, từ ngày 30 - 31/10, mực nước tại trạm Vũng Tàu duy trì ở mức cao, dao động 4,2-4,3m. Mực nước triều ở mức cao tại khu vực ven biển Nam Bộ duy trì trong khoảng từ 1-4 giờ và từ 13-17 giờ. Tại các khu vực trong đất liền đỉnh triều sẽ xuất hiện trễ hơn 1-3 giờ, tùy thuộc từng khu vực. Nguy cơ xảy ra ngập úng tại các vùng trũng, thấp, vùng ven sông và vùng ngoài đê bao.
Bão số 7 ít khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền của Việt Nam
Trước đó, bão Nalgae đã gây thiệt hại lớn ở Philippines, trong đó tỉnh Maguindanao là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất của cơn bão Nalgae. Nơi này ghi nhận tình trạng sạt lở đất và ngập lụt nghiêm trọng. Chính quyền Philippines hôm 29/10 chính thức ghi nhận 45 trường hợp thiệt mạng do ảnh hưởng của cơn bão Nalgae.
Dự báo đường di chuyển của Bão số 7 |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tính đến 4h sáng nay (1/11), bão số 7 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 13.
Trong 12 giờ tới, sau suy yếu dần; trong khoảng 48 đến 72 giờ bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau suy yếu thành vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông, ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Dự báo bão sẽ suy yếu nhưng trên biển ảnh hưởng của bão vẫn hết sức nguy hiểm đối với tàu thuyền, nhất là 52 tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Các tỉnh, thành phố ven biển chịu ảnh hưởng của cơn bão số 7 cũng đã có các công văn cảnh báo, thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến gió mạnh, sóng lớn trên biển trong những ngày tới; Thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, cũng như phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản; Duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các tỉnh, thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.