“Chìa khóa” ứng phó với biến đổi khí hậu
Khoa học và công nghệ (KHCN) đóng vai trò then chốt trong dự báo, phòng ngừa và giảm nhẹ các rủi ro thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được những thành tựu nhất định. Để KHCN thực sự là “chìa khóa” ứng phó với BĐKH thì Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu các công nghệ mới.
Ứng dụng nhiều công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến BĐKH ngày càng phức tạp và khó lường, những thảm họa thiên tai với tần suất và mức độ tàn phá gia tăng. Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với nỗ lực phát triển bền vững của Việt Nam.
Trước thực trạng đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án nghiên cứu, ứng dụng KHCN nhằm ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Những thành tựu đã đạt được cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào KHCN được xem là chìa khóa giải quyết các thách thức trong ứng phó với BĐKH.
Công trình tuyến kè sông Ray, xã Phước Thuận (Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) ứng dụng công nghệ bê tông cốt sợi phi kim, giúp bờ sông không bị sạt lở. |
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang ứng dụng công nghệ bê tông cốt phi kim vào các công trình tuyến kè bảo vệ bờ biển khu du lịch Làng Chài Resort, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc; kè bảo vệ hạ lưu bờ sông Ray, xã Phước Thuận; kè phá sóng bảo vệ bờ biển, gây bồi tạo bãi xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc; kè sông Dinh, phường Phước Trung, TP Bà Rịa...
Đây là công nghệ được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt hàng Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) thực hiện từ tháng 10-2017, được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng cuối năm 2020. Khu vực đoạn sông Ray-nơi chưa xây dựng kè thường sạt lở mỗi năm hàng chục mét, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ của Busadco có cấu kiện lắp ghép đoạn kè bằng công nghệ bê tông cốt sợi phi kim nối dài 100m, đến nay đã giúp bờ sông ổn định, không còn bị sạt lở như trước. Hiện công nghệ kè bảo vệ bờ sông, bờ hồ, đê biển của Busadco đã được lắp ghép tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng chiều dài hơn 12.700km, đạt hiệu quả cao.
Ngành khí tượng thủy văn cũng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ, nay đã xây dựng được hệ thống họp trực tuyến đến 9 đài khí tượng thủy văn khu vực và 54 đài khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố; bảo đảm công tác hội thảo trực tuyến nghiệp vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thông suốt, nhất là khi có thiên tai xảy ra.
Ngành khí tượng thủy văn cũng đã kết nối hệ thống truyền tin vệ tinh với Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia. Công tác dự báo thời tiết số trị luôn được phát triển; hiện là những mô hình dự báo chạy trên nền tảng hệ thống siêu máy tính hiệu năng cao với tổng năng lực tính toán khoảng 16 Tflops. Đặc biệt, với công nghệ dự báo tổ hợp, các bản tin dự báo xác suất được đưa vào phục vụ cộng đồng, các bản tin dự báo thời tiết cực ngắn, dự báo mưa lớn trong những tình huống thời tiết nguy hiểm được các dự báo viên Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nghiên cứu phát triển.
Theo các chuyên gia, hiện nay, Việt Nam đang ứng dụng nhiều công nghệ trong ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, những công nghệ này còn nhiều hạn chế khiến việc dự báo, cảnh báo thiên tai chưa đạt độ chính xác cao. Đơn cử, bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiện có phạm vi quá rộng, chưa chi tiết các điểm xã, thôn, bản, chưa cảnh báo được theo thời gian thực. Hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm cho các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn dựa trên dữ liệu mưa, mực nước sông, suối, không phù hợp với loại hình thiên tai sạt lở đất, lũ bùn đá ở vùng sinh lũ. BĐKH diễn ra phức tạp, khó lường, làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, trái quy luật.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Để KHCN thực sự là “chìa khóa” ứng phó với BĐKH, theo Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Hồng Thái, các nhà khoa học cần đẩy mạnh nghiên cứu, hướng mũi nhọn vào áp dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong khí tượng thủy văn để ứng phó với BĐKH. Việt Nam cần hình thành nhóm nghiên cứu chuyên sâu, cam kết hỗ trợ tối đa cho ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường. Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà khoa học có các đề tài nghiên cứu ứng phó với BĐKH được áp dụng thành công nhằm tôn vinh, động viên, ghi nhận sự cống hiến của họ cho nền KHCN nước nhà.
GS, TS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam cho rằng, việc thiếu hụt thông tin là thách thức với ngành khí tượng thủy văn hiện nay. Hiện vẫn có khoảng cách từ thông tin dự báo quốc gia tới người sử dụng do hạn chế về ngôn ngữ chuyển tải, hệ thống thông tin, khoa học. Điều này tạo tâm lý ít tin tưởng vào dự báo khí hậu và năng lực hành động do thông tin dự báo còn hạn chế.
Do đó, các nhà khoa học cần có cách chuyển tải thông tin khí tượng thủy văn kịp thời, đầy đủ, dễ hiểu nhất đến cộng đồng và toàn thể người dân. Ngành khí tượng thủy văn cần khẩn trương triển khai các giải pháp chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực khí tượng thủy văn; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới như: Internet vạn vật, các công nghệ khai thác dữ liệu lớn...
Ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam đề xuất, các viện nghiên cứu, trường đại học cần tạo điều kiện, hỗ trợ các nhà khoa học trẻ nghiên cứu KHCN ứng phó với BĐKH. Nhà nước, doanh nghiệp cũng cần đồng hành với các viện, trường trong hỗ trợ kinh phí, giúp các nhà khoa học đưa đề tài nghiên cứu trở thành sản phẩm công nghệ ứng dụng được vào thực tiễn, có khả năng thương mại hóa mang lợi nhuận cho nhà khoa học, doanh nghiệp; đẩy mạnh việc chuyển giao các công nghệ tiên tiến từ nước ngoài về ứng dụng trong nước. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần đưa ra các đề bài cụ thể để doanh nghiệp, nhà khoa học nghiên cứu các công nghệ có tính ứng dụng cao nhằm đưa vào thực tiễn.
Bài và ảnh: LA DUY