Sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai
Trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội) đang có nhiều khu đô thị nhà vườn, biệt thự được triển khai từ thời tỉnh Hà Tây chưa sáp nhập vào TP Hà Nội, đến nay vẫn bỏ hoang.
Hiện tượng này cũng xuất hiện ngày càng nhiều ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Mỗi khu đô thị bị bỏ hoang như vậy, hàng nghìn tỷ đồng của chủ đầu tư hoặc của các nhà đầu tư thứ cấp bị chôn vùi một chỗ. Trong khi đó, nông dân thì không còn đất đai để sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp thiếu đất để mở rộng quy mô sản xuất, người có nhu cầu thật sự về nhà ở lại không thể tiếp cận với những sản phẩm bất động sản hạng sang đang tràn ngập thị trường, dẫn tới nguy cơ từ mất an ninh lương thực cho đến bất ổn về kinh tế-xã hội... Đất đai đáng lẽ phải là nguồn lực rất lớn, rất quan trọng để phát triển bền vững lại bỗng trở thành những "cục máu đông", những bong bóng bất động sản, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những hệ lụy cho phát triển kinh tế-xã hội.
Ảnh minh họa / Vietnam+ |
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 39/2021/QH15 về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 ngay tại Kỳ họp thứ hai. Theo chương trình, ngày 9-1, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có định hướng sử dụng đất quốc gia. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất quốc gia cùng với Luật Đất đai là những căn cứ pháp lý quan trọng để nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả hơn.
Vì thế, các cơ quan hữu quan phải tổ chức thật hiệu quả việc lấy ý kiến nhân dân vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tập trung cao nhất cho việc hoàn thiện dự án luật này, bảo đảm Luật Đất đai (sửa đổi) vừa phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Việc lấy ý kiến nhân dân nên tập trung nhiều hơn vào những nơi đang có các dự án hoang hóa, có khiếu kiện đông người, kéo dài... để tìm ra và bịt cho được những lỗ hổng, hay những kẽ hở dù là nhỏ nhất để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
Những quy định của Luật Đất đai hầu hết đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới mỗi người dân, từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Lâu nay, dư luận bàn tán nhiều về những bất cập của pháp luật, sự lỏng lẻo trong quản lý đất đai của các cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương. Thời gian dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến toàn dân chính là cơ hội tốt để mỗi người dân, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, nêu ra chính kiến của mình, có những đóng góp tích cực cho việc hoàn thiện dự án luật.
Hy vọng, sau lần sửa luật này, với hệ thống quy hoạch, kế hoạch hoàn chỉnh và với hành lang pháp lý hoàn thiện, đất đai sẽ thực sự trở thành nguồn lực bền vững cho sự phát triển bền vững của đất nước, cho từng người dân, hộ gia đình và doanh nghiệp!
CHIẾN THẮNG